1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cụ ông 74 tuổi vui vẻ sống với ung thư phổi

(Dân trí) - Dáng đi nhanh nhẹn, lưng thẳng, da dẻ hồng hào, ông Nguyễn Ngọc Ba khiến người đối diện không khỏi bất ngờ khi biết ông đã chiến đấu với bệnh ung thư phổi 8 năm ròng.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Ba nằm trong con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh (TPHCM) không quá rộng rãi nhưng vừa đủ đối với đôi vợ chồng già. Hàng ngày, bà Nga đi phụ bán hàng còn ông Ba làm vài việc vặt trong nhà hoặc đi dạo. Hiện nay mỗi 3 tuần 2 lần bà đưa ông đến khoa Ung bướu, BV Phạm Ngọc Thạch để hóa trị ung thư phổi.
Ông Ba phát hiện ung thư phổi năm 2005. Lần ấy ông bị ho nhiều, uổng thuốc ở phòng mạch tư không hết, bác sĩ yêu cầu chụp CT thì phát hiện phổi có khối u bằng đầu ngón tay cái. Ông Ba phỏng đoán: “Có lẽ nghề nghiệp của tôi là buôn bán cửa sắt và vật liệu xây dựng, hít nhiều mùi sơn và bụi bặm, về già nó phát bệnh”.

Tại BV Phạm Ngọc Thạch, ông được phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần phổi. Bác sĩ thông báo với bà Nga: “Chồng bà bị ung thư, có lẽ gia đình nên chuẩn bị tinh thần…”, câu nói ấy với bà như sét đánh ngang tai. Còn ông Ba, lúc mới hay tin tâm trạng rất buồn, nhưng gia đình nhanh chóng quyết định phải cùng nhau đương đầu với bệnh tật.

Sau khi mổ, ông Ba hóa trị 4 toa, cứ 28 ngày phải vào thuốc 1 lần. Ông Ba nhớ lại: “Truyền hóa chất xong khó chịu lắm, tôi rất mệt, buồn nôn, ăn uống không được. Nhưng thuốc đó hay lắm, mổ xong phổi tôi bị chảy dịch hoài, mà hóa trị 2 ngày là dịch ngưng chảy luôn”. Bệnh lui, trong 5 năm tiếp theo ông Ba đi tái khám hàng tháng tại BV Phạm Ngọc Thạch.
 
Ông Nguyễn Ngọc Ba tỉa lá cây mai trước nhà để đón năm mới
Ông Nguyễn Ngọc Ba tỉa lá cây mai trước nhà để đón năm mới
 
Đến năm 2010, ung thư tái phát. Bác sĩ đề nghị mổ nhưng gia đình lo ngại ông Ba tuổi đã cao (71 tuổi) nên quyết định tiếp tục hóa trị. Bệnh lui được mấy tháng, rồi tái phát lần nữa vào năm ngoái (2012).

Ra vào bệnh viện nhiều lần, riết rồi ông Ba xem ung thư cũng như chuyện thường trong cuộc sống. Ông kể: “Những người cùng điều trị với tôi giờ không còn ai. Có người trụ được 3 năm, có người được 5 năm… Còn tôi nhờ trời cho cái tính lạc quan nên giờ này còn ngồi đây”.

Bà Nga tiếp lời: “Ông nhà tôi được cái nết vô tư và ngủ giỏi. Phần tôi thì tham khảo báo đài, nấu các món mát gan, bổ phổi cho ổng ăn. Ví dụ: củ sen, atiso, xà lách xoong, rong biển. Gia đình tôi biết chút ít về đông y. Lúc nào ổng mệt quá thì bồi dưỡng bằng gà tiềm, heo tiềm… cũng không mắc lắm đâu”.

Hàng ngày, bà Nga luôn khuyến khích chồng tham gia các hoạt động bên ngoài: tập thể dục, đi đám tiệc, gặp gỡ bạn bè hay chở vợ đi chợ. Bà quan niệm: “Đừng giữ người bệnh trong nhà, nên ra ngoài đi đây đó cho thoải mái đầu óc. Ngồi một chỗ họ hay suy nghĩ tiêu cực, coi chừng bệnh nặng thêm”.

Cùng với việc trị bệnh, hai ông bà sẵn sàng động viên những người cùng cảnh ngộ. Bà Nga tiếc mãi một trường hợp: “Ở bệnh viện có ông kia, mới ung thư phổi giai đoạn 3B thôi, nhưng nhằm lúc hết thuốc điều trị, bác sĩ kêu chờ 1 tuần. Thế mà ổng bỏ về quê uống thuốc bắc, 2 tháng sau mới chịu quay lại thì bệnh đã ở giai đoạn 4! Phải chi mà tụi tôi biết sớm, khuyên ổng đừng về quê!”.

Về chi phí điều trị, hai ông bà nhất trí quan điểm: BHYT luôn luôn cần thiết, bởi vì: “Năm 2010, thẻ BHYT của ông Ba hết hạn mà thẻ mới mua chưa có hiệu lực, gia đình bị một phen chới với”. Nhưng may nhờ có họ hàng, người quen giúp sức và động viên nhiều nên hai ông bà vững tâm tiếp tục điều trị.

ThS.BS Đinh Trọng Toàn, người đang trực tiếp theo dõi điều trị cho ông Ba nhận định: “Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Ngọc Ba rất đáng biểu dương. Cũng căn bệnh ấy, phác đồ điều trị ấy nhưng nếu người bệnh và gia đình suy nghĩ bi quan, vội vã đầu hàng ung thư thì bác sĩ cũng đành chịu. Tinh thần lạc quan và thái độ hợp tác của người bệnh giúp ích rất nhiều cho bản thân người ấy và cả y bác sĩ chúng tôi”.

Hồng Nhung