1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đà Nẵng:

Cư dân xóm trọ còn thờ ơ với dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vào thời điểm này (đang vào mùa mưa). Tuy nhiên, nhiều người dân, đặc biệt là các cư dân xóm trọ vùng ven, vẫn còn thờ ơ, lơ là trong phòng chống sốt xuất huyết.

“Ở đây đang có dịch à?”

 

Cư dân xóm trọ còn thờ ơ với dịch sốt xuất huyết - 1

Mặc dù được phun thuốc chống dịch nhưng nguy cơ tái dịch vẫn luôn thường trực do ý thức người dân kém

Sáng 26/11, sau khi được một chủ trọ trên đường Phan Thanh (phường Thạc Gián, Q. Thanh Khê) cho biết đã có 3 người nhà lần lượt nhập viện vì sốt xuất huyết, nhân viên ngành chức năng đã đến khu vực nguy cơ phát sinh ổ dịch phun hóa chất. Không ít sinh viên trú tại khu nhà trọ hồn nhiên: “Ở đây đang có dịch à? Có mấy người mắc bệnh rồi ạ? Cháu đi đi về về có nghe ai nói gì đâu?”.

 

Thậm chí có phòng trọ không chịu mở cửa cho nhân viên y tế dự phòng cơ sở phun hóa chất vì “mùi hóa chất nồng sặc, khó chịu quá”. Phải đợi đến khi chủ trọ giải thích đã có nhiều người trong khu nhà “dính” dịch, người này mới miễn cưỡng mở cửa để được phun hóa chất vào phòng ở.

 

Nhiều sinh viên bị sốt xuất huyết nhưng cứ đinh ninh là cảm sốt bình thường, tự mua thuốc trị cảm về uống đến khi bệnh trở nặng, ốm vật vã, bạn bè mới hoảng hốt chở vào viện. Đó là trường hợp của bệnh nhân T.T.Hương, đang tạm trú trọ học tại phường Thạc Gián, Q. Thanh Khê. Bà Thính, một chủ nhà trọ tại khu vực này than phiền: “Mình có lo thì dọn dẹp vệ sinh chung chớ dễ chi vận được mấy người thuê trọ ra quân dọn vệ sinh khu vực như các khu dân cư. Phần công nhân thì đi làm cả ngày, mấy đứa sinh viên thì đi học, lại coi thường dịch bệnh. Thậm chí, thấy phòng ẩm thấp, nhắc mọi người mắc màn ngủ mà đâu có mấy người nghe. Chừng đau ốm, vừa mệt người, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền thuốc thang mới lo thì đã muộn”.

 

Cao điểm dịch sốt xuất huyết thường vào thời điểm này khi mùa mưa bắt đầu, bệnh viện Đà Nẵng đã tăng giường cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết vì một tuần lễ có trung bình từ 150- 200 ca bệnh mới. Báo, đài tại địa phương thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng với không ít người những thông tin này cứ như dành cho ai đó ở đâu đó chứ không phải cho chính họ để ý thức hơn trong việc phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

 

Quan trọng là ý thức

 
Cư dân xóm trọ còn thờ ơ với dịch sốt xuất huyết - 2

Những vũng nước tù đọng lâu ngày chính là nơi sản sinh muỗi mang mầm bệnh SXH
 
Đi thực tế tại nhiều khu nhà trọ cho sinh viên và công nhân thuê tại các Quận có nhiều trường Đại học, khu công nghiệp như Quận Ngũ Hành Sơn, Q. Liên Chiểu, Q. Sơn Trà…, mới thấy rõ nguy cơ phát dịch tại các khu vực này. Một khu trọ nằm sâu trong đường Phạm Như Xương, Q. Liên Chiểu, dọc lối vào cỏ dại mọc um tùm hai bên lối đi, nước mưa đọng từng vũng lớn đen sì, chưa kể đường cống rãnh bao quanh sau lưng dãy nhà trọ, thau chậu còn đọng nước dựng ngổn ngang bên giếng bơm dùng chung … bày ra trước mắt.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Đà Nẵng: “Đó chính là mầm mống khiến cho dịch bùng phát dữ dội. Người dân sống ở những khu vực này hầu như ít chú ý tích cực diệt trừ bọ gậy mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền không chỉ trên phương tiện thông tin đại chúng, mà còn phát cả tờ rơi tuyên truyền dịch liên tục. Đáng nói nhiều ổ dịch phát sinh đã được phun hóa chất chống dịch nhưng vẫn có người mắc bệnh sau đó ít ngày. Cần nhất là người dân cư trú tại địa bàn cảnh giác cao với dịch và chú ý vệ sinh môi trường thường xuyên. Hiện ngành chức năng đang tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống dịch, đặc biệt kêu gọi các chủ nhà trọ, quản lý ký túc xá kêu gọi vận động ra quân dọn vệ sinh môi trường; chú ý các vũng nước đọng lâu ngày do mưa. Mong rằng cùng chung tay phòng chống dịch, ý thức phòng chống dịch của tất cả mọi người được nâng cao. Qua đó, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đạt hiệu quả hơn”.

 

Khánh Hiền