Cụ bà bị xẹp phổi do... châm cứu
(Dân trí) - Người phụ nữ sống ở Bồ Đào Nha, tên chưa được tiết lộ, đã quyết định tìm đến cách điều trị Đông y lâu đời này do bị đau lưng. Nhưng hai ngày sau, bà phải nhập viện trong tình trạng khó thở và đau nhói ở vai.
Các bác sĩ đã phát hiện một phần phổi phải của bệnh nhân bị xẹp mà thủ phạm là những chiếc kim nhỏ được sử dụng trong châm cứu đã gây ra biến chứng đe dọa tính mạng ở người bệnh.
May mắn là cụ bà đã hồi phục hoàn toàn trong vài ngày, nhưng các bác sĩ nhấn mạnh rằng thực hành châm cứu không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề đe dọa tính mạng.
Vụ việc của cụ bà 79 tuổi được các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh viện Đại học Trung tâm Lisbon kể lại.
Họ đã viết trên tờ BMJ Case Reports rằng bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp và bệnh xương khớp, ảnh hưởng đến khớp, cơ và xương.
Đây là lần đầu tiên bà được điều trị bằng châm cứu để giảm vùng đau lưng trên mãn tính.
Theo bệnh nhân, sau khi được châm kim vào vùng giam xương bả vai, nằm giữa hai bả vai, bệnh nhân cảm thấy ở đau bên phải.
Bà không nghĩ rằng các triệu chứng của mình là bất thường, và đã không được cảnh báo về bất kỳ biến chứng tiềm ẩn nào.
Cơn đau của bà không thuyên giảm trong hai ngày tiếp theo và bà cảm thấy mệt mỏi và khó thở hơn - nhưng vẫn có thể nói những câu dài.
Bệnh nhân đã tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình, người đã thực hiện chụp X quang ngực và nhanh chóng chẩn đoán một phần phổi phải của bệnh nhân đã bị xẹp.
Xẹp phổi, hay tràn khí màng phổi, là khi không khí thoát từ phổi vào khoang màng phổi.
Không khí sẽ đẩy vào phổi khiến nó bị xẹp và phải cố gắng để giãn nở trở lại. Nguyên nhân phổ biến nhất của tràn khí màng phối là do bị vật tày tác động vào ngực.
Các bác sĩ cho biết: “Độ sâu, hướng và góc cắm kim là rất quan trọng, đặc biệt là ở vùng ngực. Bề mặt phổi chỉ cách da chừng 10-20mm”.
Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ, đứng đầu là BS. Sofia Costa Corado, nhận thấy cụ bà vẫn bình tĩnh mặc dù đã thở dốc.
Sau khi cho bệnh nhân thở oxy qua mũi, các bác sĩ đã đặt ống dẫn lưu để đưa khí ra ngoài và giúp phổi giãn nở trở lại.
Vào ngày thứ ba, bệnh nhân được xuất viện với phổi hoạt động bình thường.
Các bác sĩ cho biết: “Cả bác sĩ châm cứu và bác sĩ lâm sàng cần phải nhận thức được khả năng xảy ra tác dụng phụ sau châm cứu, đặc biệt là ở những người xuất hiện các triệu chứng'.
Mặc dù những trường hợp như thế này khá hiếm gặp, nhưng bác sĩ Nick Hopkinson thuộc Quỹ bệnh phổi Anh cho biết đã có ít nhất một trường hợp tử vong được báo cáo.
Ông nói thêm: “Một nguy cơ của châm cứu đã được thừa nhận là kim có thể đâm thủng màng phổi, gây xẹp phổi.
“Biến chứng này có thể đe dọa tính mạng và chúng tôi sẽ khuyên mọi người tránh châm cứu vào các vị trí trên ngực.
Một nghiên cứu của Đức trên 229.300 người với 2,2 triệu lượt điều trị châm cứu đã thấy tỷ lệ tác dụng phụ là 8,6%.
Các nghiên cứu trên khắp châu Âu cho thấy những vấn đề nhỏ bao gồm đau và chảy máu nhẹ hoặc đông máu dao động từ 7 - 15%.
Tử vong, thương tích nội tạng hoặc nhập viện, đã được tìm thấy với tỷ lệ 0,024%, các bác sĩ viết.
Châm cứu là một cách điều trị cổ xưa đã có mặt ở châu Âu từ khoảng thế kỷ 17.
Y học cổ truyền quan niệm năng lượng, hay “khí” lưu thông qua 12 kinh mạch trong cơ thể và nếu sự lưu thông này bị ứ trệ có thể gây ra bệnh tật.
Căm những chiếc kim nhỏ và tác động vào chúng tại các “huyệt” sẽ khôi phục dòng năng lượng và giảm đau.
Y học cổ truyền cũng cho rằng châm cứu có lợi cho hệ thần kinh, tuần hoàn, nội tiết và trương lực cơ.
Châm cứu có an toàn không?
Lời khuyên của NHS cho biết châm cứu là an toàn khi được thực hành với vệ sinh tốt bởi thầy thuốc có trình độ.
Một số người gặp phải tác dụng phụ nhẹ, kéo dài như:
• Đau khi kim đâm vào da
• Chảy máu hoặc bầm tím khi kim đâm vào da
• Lơ mơ
• Cảm thấy không khỏe
• Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất
• Làm nặng thêm các triệu chứng có sẵn
Nếu bạn bị rối loạn chảy máu, chẳng hạn như bệnh máu khó đông, hoặc đang dùng thuốc chống đông máu, hãy hỏi bác sĩ trước khi định châm cứu.
Châm cứu cũng thường không được khuyên nếu bạn bị dị ứng kim loại hoặc nhiễm trùng ở khu vực có thể sẽ cắm kim.
Nói chung châm cứu là an toàn khi mang thai. Tuy nhiên, hãy cho bác sĩ châm cứu biết nếu bạn đang mang thai vì một số huyệt không an toàn trong thai kỳ.
Cẩm Tú
Theo DM