1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứ 3 trẻ gái lại có 1 trở thành mẹ nhí vì tảo hôn

(Dân trí) - Điều tra mới nhất về tình trạng tảo hôn chung trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 26,6%. Như vậy, cứ 3 trẻ em gái lại có 1 em kết hôn, làm mẹ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Cá biệt có nơi, tỷ lệ tảo hôn lên tới 50 - 60%.

Tử vong bà mẹ, sơ sinh cao hơn ở nhóm tảo hôn

Sáng 25/10, tại Hội thảo Quốc gia về tảo hôn, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ dân tộc thiểu số (Ủy ban dân tộc) thông báo về kết quả điều tra thực trạng KT- XH dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015 với con số về tình trạng tảo hôn rất đáng giật mình.

Nhiều cô gái trẻ đã trở thành mẹ dù chưa qua tuổi vị thành niên. Ảnh minh họa.
Nhiều cô gái trẻ đã trở thành mẹ dù chưa qua tuổi vị thành niên. Ảnh minh họa.

Theo đó, tỷ lệ tảo hôn ở các dân tộc này là 26,6%, cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện KT - XH khó khăn như Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Bru - Vân Kiều…Trong đó, có 10 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn 20 - 30%, 11 DTTS có từ 40 - 40%, 13 từ 40 - 50% và 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn lên đến 50 - 60%

Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ những lo ngại về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội.

Theo Thứ trưởng Tiến, tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tình trạng tảo hôn xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đặc biệt cao ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, miền Trung Tây nguyên và Miền Tây Nam Bộ; Tỷ lệ tảo hôn nữ giới cao hơn nam giới.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 tuổi kết hôn của nam phải đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ từ 18 tuổi trở lên.

“Việc những đứa trẻ chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý đã phải làm mẹ, sinh con khi ở tuổi chưa trưởng thành gây nhiều hệ lụy. Điều này đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của cả người mẹ cũng như tương lai của họ sau này”, Thứ trưởng Tiến nói.

Dẫn chứng về những nguy cơ này, bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục DS – KHHGĐ đưa ra những con số về tỷ lệ tử vong ở những bà mẹ nhí, cũng như tỉ lệ tử vong của con của những bà mẹ nhí cao hơn bình thường.

Hậu quả của tảo hôn dẫn đến mang thai sớm, khi cơ thể chưa hoàn thiện về mặt giải phẫu, sinh lý và tâm lý để có thể mang thai.

Tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi trên toàn thế giới liên quan đến thai kỳ.

Tỷ lệ tử vong ở những trẻ sơ sinh, con của các bà mẹ dưới 20 tuổi cao hơn 75% so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Nhiều hệ lụy

Không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em khi mang thai ở lứa tuổi chưa trưởng thành, tình trạng tảo hôn tác động đến các vấn đề kinh tế xã hội, gây nên một vòng luẩn quẩn khó giải quyết, đó là: Nghèo đói - Tảo hôn - bỏ học - không có cơ hội tìm kiếm việc làm - sinh con ra sức khỏe kém, dễ ốm đau bệnh tật - Nghèo đói. Vấn nạn này là rào cản đối với hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ VN đã cam kết như: giảm nghèo đói, phổ cập giáo dục, tăng cường bình đẳng giới, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thay đổi nhận thức là vấn đề mấu chốt. Bên cạnh đó cần sự đầu tư về kinh tế, giáo dục, y tế... nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ vượt qua áp lực của tập tục lạc hậu, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân.

Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện giảm thiểu tảo hôn vùng DTTS còn nhiều khó khăn do tỉ lệ nghèo đói cao, trình độ dân trí thấp, nhận thức còn thấp, bên cạnh đó là do phong tục tập quán, lạc hậu trong hôn nhân, rào cản ngôn ngữ.

Được biết, giai đoạn 2011-2015, thông qua các hoạt động của đề án nâng cao chất lượng dân số, Bộ Y tế triển khai các hoạt động can thiệp nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại 22 tỉnh/thành trong cả nước và đã thu được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, các hoạt động này mới trong giai đoạn thử nghiệm và các hoạt động tập trung vào các hoạt động truyền thông về Luật hôn nhân gia đình, hệ lụy của tảo hôn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản VTN, TN, sức khoẻ bà mẹ trẻ em. Để giải quyết vấn đề tảo hôn này là một công việc lâu dài, bền bỉ và cần phải có sự chung tay chung sức của nhiều bộ ngành với những giải pháp quyết liệt và thiết thực.

Tổ chức UNFPA & UNICEF đề xuất mở cuộc điều tra quy mô quốc gia về tảo hôn nhằm cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm