Công nghệ “phù phép” thịt thối
Gần đây nhất, đông đảo người dân đều phải rùng mình trước thông tin: thịt, phủ tạng thối rữa, lại trở nên tươi mới và vô cùng thơm ngon đã có mặt trên bàn ăn của các nhà hàng. Đó là do có sự phù phép của công nghệ.
Cung cầu và lợi nhuận cao
Xin được đưa ra những con số mà ai nghe cũng phải giật mình: riêng tại TPHCM, 9 tháng đầu năm 2011, có khoảng 74.000 tấn thịt đông lạnh nhập về các cảng trong thành phố, trong đó 150 tấn thịt đùi gà, thịt gà xay không đạt chất lượng buộc phải tái xuất. Gần như ngày nào cũng có vụ việc vi phạm bị phát hiện, nhiều lô hàng, khi mở nắp thùng ra, bên trong đã đổi màu, bốc mùi hôi thối, tím tái, da xuất huyết, phủ tạng xuất huyết.
Kiểm tra xe chở thực phẩm đông lạnh
Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là: nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong khi những nguồn cung thường xuyên không đủ. Có cầu thì ắt có cung. Lý giải này chưa thực sự thuyết phục, bởi ai cũng biết ngoài quy luật cung cầu thì lợi nhuận cao làm mờ mắt, cạn kiệt lương tâm của “con buôn”.
Những kẻ nhẫn tâm này đã nhắm mắt thu lời, chỉ nghĩ đến túi tiền của mình mà không cần biết rằng việc làm vô nhân đạo của họ đã và đang làm hại biết bao nhiêu người, làm nguy hại cho sức khoẻ của cả một dân tộc.
Những kẻ buôn lậu tìm mọi cách tuồn hàng vào TPHCM và các thành phố lớn. Đáng lo ngại là nguồn cung hầu hết đều nhập lậu từ nước ngoài về và đó đều là những thực phẩm quá lâu ngày. Điều đáng ngạc nhiên hơn là tất cả những sản phẩm “rợn người” này đều qua bàn tay xử lý của các “chuyên gia” với sự góp mặt của công nghệ "phù phép” và chúng lại “đàng hoàng” có mặt trên các bàn nhậu, trông rất tươi, ngon, bắt mắt, và thậm chí là còn dậy mùi thơm đặc biệt hấp dẫn…
Vấn đề đặt ra ở đây là người tiêu dùng dù biết là có những thực phẩm độc hại đã qua công nghệ “phù phép” được tiêu thụ trên thị trường, nhưng bằng mắt thường không một ai có thể phát hiện được.
Công nghệ “phù phép” được thực hiện ra sao?
Tất cả những thực phẩm bẩn này đều được đem ngâm các loại hoá chất vô cùng độc hại. Thông thường để tạo độ dai, giòn, sử dụng chất borax hoặc hóa chất có gốc phốt-phát. Chất borax thường được dùng trong ngành hàn kim loại, đó là chất bột trắng để giúp hạ điểm chảy trong quá trình hàn. Hóa chất này khi vào cơ thể người sẽ làm phân hủy tế bào, gây dị dạng tế bào.
Còn chất tẩy trắng thường là H2O2 hoặc NaClO. Đây là chất tẩy dùng trong công nghiệp rất độc hại. Chất này vào cơ thể người sẽ tạo gốc tự do phân hủy tế bào, gây hại cho cả hệ thống tiêu hóa. Nếu dùng màu công nghiệp tẩm ướp thực phẩm dễ dẫn đến nhiều chứng ung thư, nhất là ung thư gan...
Nhiều lô thịt không rõ nguồn gốc khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì đã biến chất, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bọ bu đầy. (Ảnh: trạm KDĐV Thủ Đức)
Theo một cán bộ thú y Chi cục Thú y Đồng Nai, những loại thịt để lâu, bốc mùi hôi thối và bắt đầu phân huỷ nhưng sau khi rã đông, ngâm hoá chất vào khoảng 10 tiếng đồng hồ, thịt sẽ trở nên trắng tươi như khi vừa mổ xong. Hoặc thịt để trong tủ cấp đông lâu ngày có màu sẫm, tái hoặc lên mốc meo, vẫn có thể bảo quản tiếp một thời gian dài nữa bằng cách ngâm hàn the cho thịt tươi và giòn hơn. Khi ăn, khó ai ngửi được mùi hoá chất cũng không thể phân biệt được thịt mới hay cũ. Đặc biệt các loại hoá chất được cơ sở tự chế biến bằng cách pha trộn theo công thức riêng nên khó biết đó là loại gì.
Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường- Công an tỉnh Đồng Nai liên tục bắt quả tang các cơ sở tư nhân ở thành phố Biên Hoà và huyện Trảng Bom dùng hoá chất để ngâm nội tạng trâu bò. Điều đáng lo ngại là cơ sở của ông NVT ở xã Hố Nai 3 huyện Trảng Bom còn xây hẳn 4 hố ngâm hoá chất để tẩy trắng.
Không riêng ở Đồng Nai và TPHCM, công nghệ phù phép thực phẩm này đã được áp dụng trên khắp mọi vùng miền trong cả nước và nạn nhân của công nghệ này là những người vốn coi phủ tạng trâu bò, các loại thịt, chân gà là những món ăn khoái khẩu.
Một thông tin do một thương lái heo lậu cho biết là: hiện nay nhiều thương lái sẵn sàng đầu tư kho trữ đông, hệ thống xử lý thịt hàng tỉ đồng để thu gom, trữ thịt hàng năm. Khi giá thịt trên thị trường rẻ hoặc rơi vào dịp dịch (lở mồm long móng, tai xanh...), thì họ tổ chức thu gom heo, trâu, bò với giá rẻ để về mổ thịt. Sau đó xịt thuốc khử mùi, bỏ vào bịch nylon rồi cột chặt cho vào tủ cấp đông để trữ. Khi vào tủ cấp đông dưới mức -5 độ C, thịt có thể để năm này qua năm khác mà không sợ bị phân huỷ. Đến khi hết dịch, người dân cũng không còn gia súc để bán, lúc này thịt được đẩy giá lên cao. Khi đó thương lái sẽ tung hàng ra, dùng các công nghệ bằng hoá chất tẩy rửa, xử lý rồi bán với giá cao. Mặc sức thu lợi.
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Nông thôn Cao Đức Phát cũng phải trực tiếp chỉ đạo thanh tra tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, để tiến hành làm rõ vụ việc hơn 100 tấn chân gà thối “bốc hơi” khỏi cảng Hải Phòng. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng, nhưng một nguyên nhân vô cùng quan trọng là pháp luật của chúng ta còn quá nhiều lỗ hổng. Hàng tạm nhập tái xuất thì chưa có quy định kiểm tra. Mức xử phạt cao nhất với những hành vi không tái xuất mà đem tái chế tiêu thụ trong nước cũng chỉ là 2 triệu đồng.
Chế tài chưa đủ mạnh, các hành vi vi phạm chưa được xử lý triệt để, thiếu một sự chung tay vào cuộc của các ban ngành chức năng. Những nguyên nhân này nghe xưa như trái đất, nhưng trong lĩnh vực này, đó vẫn được coi là những nguyên nhân chính. |
Theo Nguyễn Thu Hà
VOV