Công an Hà Nội đề nghị BV Việt Đức phối hợp điều tra đường dây mua bán thận

(Dân trí) - Liên quan đến nghi vấn tồn tại đường dây mua bán thận tại bệnh viện, ngày 18/10, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, theo đề nghị của công an, bệnh viện rà soát tìm được 5 cặp cho – ghép không cùng huyết thống. Thực tế tại BV cũng rất nhiều ca bị bác sĩ từ chối ghép vì hồ sơ pháp lý không đảm bảo.

Khó có kẽ hở làm hồ sơ giả!

GS Trần Bình Giang cho biết, khoảng 2 tháng trước, Công an Hà Nội có đề nghị bệnh viện phối hợp để điều tra nhóm mua bán thận công an đang điều tra.

Theo rà soát, thời gian qua có 5 cặp cho – nhận thận không cùng huyết thống được ghép thận tại BV Việt Đức.

Tuy nhiên, theo hồ sơ pháp lý, cả 5 cặp hồ sơ đều đủ yêu cầu. Trong đó yêu cầu nghiêm ngặt nhất với người hiến thận, đó là phải có ít nhất 2 người thân trong gia đình (bố, mẹ hoặc chồng, vợ) đến bệnh viện, cùng ký cam kết đồng ý hiến thận. Mối quan hệ gia đình cũng được chứng thực bằng các giấy tờ liên quan, chứng nhận của địa phương, qua phòng công chứng xác định.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức và PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa xem xét một hồ sơ pháp lý của bệnh nhân ghép thận. Ảnh: H.Hải
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức và PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa xem xét một hồ sơ pháp lý của bệnh nhân ghép thận. Ảnh: H.Hải

Cặp đầu tiên người nhận thận ở Phú Thọ (bị suy thận mãn, đã lọc máu chu kỳ 5 năm) và người hiến thận là một phụ nữ 30 tuổi ở An Giang đã có gia đình. Để hoàn thành thủ tục hiến thận đã có bố và chồng đến BV Việt Đức, nghe các bác sĩ giải thích và kí cam kết.

Cặp thứ 2 người nhận thận ở Hải Dương (suy thận mãn, đã lọc máu chu kỳ 10 năm), người cho thận là thanh niên ở Quảng Trị, cũng có vợ và mẹ đẻ đến BV để nghe bác sĩ giải thích, kí cam kết.

Cặp thứ 3, người nhận ở Đông Anh (Hà Nội) bị suy thận mãn, đã lọc máu chu kỳ 10 năm và người hiến thận là thanh niên 25 tuổi ở Lạng Sơn, có mẹ đẻ và vợ đến viện kí cam kết.

Cặp thứ 4, người nhận là công nhân ở Bắc Ninh bị suy thận mãn, đã lọc máu chu kỳ 3 tháng. Người hiến thận là nam thanh niên ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.

Cặp thứ 5, người nhận thận là nam giới 40 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị suy thận mãn/ thận đa nang (đã cắt cả 2 thận), đã lọc máu chu kỳ 04 năm. Người hiến thận ở Lạng Sơn có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.

GS Giang cho biết thêm, trong ghép tạng, ghép thận nguồn hiến từ người cho sống là nhiều nhất. Theo luật, mọi người trưởng thành đều có quyền cho thận, không yêu cầu có cùng huyết thống.

Vì thế, để tránh kẽ hở có thể dẫn đến mua - bán thận, quy trình hiến thận tại BV được làm rất chặt chẽ. Một người trưởng thành, có đủ điều kiện hiến thận khi đi hiến, ngoài chính bản thân người hiến đồng ý thì cần có yêu cầu xác nhận địa phương về nhân thân. Đặc biệt, người hiến thận cần dẫn theo ít nhất 2 người thân ruột thịt (bố mẹ, vợ, hoặc chồng) đến bệnh viện để nghe bác sĩ giải thích, kí, điểm chỉ vào hồ sơ.

"Tôi khẳng định quy trình tại BV làm rất chặt chẽ, về phía nhân viên y tế tuyệt đối không có chuyện móc nối để làm hồ sơ. Các hồ sơ tại viện làm rất chặt chẽ, đến mức có nhiều bệnh nhân thấy chặt quá phải chuyển sang viện khác", GS Giang cho biết.

Từng từ chối nhiều ca ghép thận trước giờ mổ

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) cho biết, bản thân ông đã từng phải từ chối nhiều ca ghép, ngay trước giờ phẫu thuật vì nhận thấy có vấn đề giữa người cho - người nhận.

"Khi có một người đến hiến thận thường chỉ định luôn người nhận thận. Và để hoàn thành một bộ hồ sơ chuyên môn thì chỉ cần khoảng 1 tuần. Còn một bộ hồ sơ pháp lý, bệnh viện sẽ chỉ rõ những giấy tờ cần có của bên hiến thận. Và một bộ hồ sơ hoàn chỉnh luôn phải có sự chứng nhận, kí tên, điểm chỉ của 2 người thân nhân với người hiến. Quy định hồ sơ cũng chặt chẽ, giấy tờ chứng minh thân nhân đi theo người hiến không chỉ bản gốc mà cần công chứng. Chỉ trong trường hợp làm giả tinh vi đến mức phòng công chứng cũng không phát hiện thì bác sĩ cũng không có khả năng phát hiện", PGS Nghĩa nói.

Trên thực tế, có những trường hợp, ví dụ cần 10 giấy giờ thì họ xin "khất" 1 - 2 giấy tờ còn thiếu đến sát ngày mới nộp. Hay có trường hợp thiếu người thân đến bệnh viện cùng, Trung tâm luôn gọi điện về công an địa phương xác minh. Và thực tế, đã ngừng ghép rất nhiều ca vì phát hiện có "khuất tất".

Hiện nay tại BV Việt Đức mỗi tuần thực hiện từ 4 - 6 ca ghép thận. Nhu cầu ghép thận rất nhiều, nhưng với một người khi đến hiến thận, đầu tiên chỉ tiến hành xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, C, HIV sau đó tiến hành tư vấn, khi nào đầy đủ hồ sơ pháp lý hợp lệ mới tiến hành xét nghiệm bởi chi phí này khá đắt, khoảng 20 triệu/ca BHYT chưa chi trả.

Một bộ hồ sơ ghép thận với hàng trăm trang, có đầy đủ giấy tờ pháp lý hợp lệ. GS Giang khẳng định bên trong bệnh viện không có sự khuất tất trong làm hồ sơ. Hồ sơ pháp lý đều được đảm bảo đầy đủ, minh bạch. Ảnh: H.Hải
Một bộ hồ sơ ghép thận với hàng trăm trang, có đầy đủ giấy tờ pháp lý hợp lệ. GS Giang khẳng định bên trong bệnh viện không có sự khuất tất trong làm hồ sơ. Hồ sơ pháp lý đều được đảm bảo đầy đủ, minh bạch. Ảnh: H.Hải

GS Giang chia sẻ thêm, thực tế có thể có những trường hợp khó khăn đột xuất về kinh tế, bị cò mồi bắt mối, thậm chí lân la cho vay tiền đến khi không có khả năng trả thì phải trả bằng thận. Mới đây, cơ quan đã bắt một số người trong đường dây mua bán thận, có liên quan đến bệnh nhân ghép thận tại BV Việt Đức, nhưng BV là nơi làm về chuyên môn, làm chặt chẽ về pháp lý và sự việc bên ngoài bệnh viện không có cách nào nắm bắt.

"Chúng tôi luôn đề nghị ngoài hàng rào bệnh viện, công an hãy giúp chúng tôi làm chặt chẽ để loại trừ hết các đối tượng cò mồi (nếu có). Còn trong cánh cổng bệnh viện, tôi khẳng định không có bất cứ sự khuất tất nào. Chỉ cần phát hiện nếu cán bộ y tế có liên quan, chắc chắn tôi sẽ đuổi việc", GS Giang khẳng định.

Hồng Hải