Con vắt dài hơn 10cm nằm trong hốc mũi

Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện trong hốc mũi bên phải của SV người Lào tên Luexong Yetuaxong có một con vắt. Con vắt được lấy ra có màu đen, no căng máu. Nó có thể vươn dài tới hơn 10cm.

Ngày 1/3/2007, khoa Tai - Mũi – Họng (Bệnh viện E, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân là một sinh viên người Lào tên Luexong Yetuaxong (sinh năm 1984) trong tình trạng mũi liên tục chảy máu cả tuần liền, hốc mũi thỉnh thoảng đau nhói.

 

Luexong cho biết sau khi xuất hiện tình trạng chảy máu, anh đã đến khám tại hai bệnh viện nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Được biết trước đó, anh về thăm quê và ra con suối gần nhà rửa mặt. Từ đó xuất hiện tình trạng chảy máu liên tục, khó cầm, nhất là khi hắt hơi và xì mũi.

 

Bác sĩ Đặng Thị Xuân - Phó trưởng khoa Tai- Mũi- Họng, người trực tiếp khám và thực hiện ca thủ thuật gắp con vắt này cho biết, nếu chỉ dùng đèn thường thì không thể phát hiện ra, dùng nội soi mới phát hiện con vắt đang co mình cắm chặt các giác hút vào niêm mạc mũi.

 

Vắt là một dạng ký sinh có giác hút bám rất chặt, thường xuyên luồn lách và ẩn mình trong các hốc (như hốc xoang), nên việc gắp nó ra khỏi mũi rất phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm.

 

Các bác sĩ sử dụng thuốc gây tê 10% để xịt vào hốc mũi, khiến cho con vắt bị tê liệt, không bám chặt vào niêm mạc mũi bệnh nhân, rời ra. Mất gần 20 phút, các bác sĩ mới lôi được con vắt ra.

 

Giải thích về nguyên nhân tại sao một con vật to nhưng thế có thể chui lọt qua mũi mà không bị phát hiện, bác sĩ Đặng Thị Xuân cho rằng, lúc đầu nó rất bé, khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi chui vào mũi, nó bám chặt vào thành mũi, dùng các xúc tu để hút máu nuôi cơ thể và to ra một cách nhanh chóng.

 

Nếu không sớm phát hiện và gắp con vật ra kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân vì máu chảy nhiều không cầm được (con vắt có khả năng tiết chất dịch chống đông máu).

 

Nguy hiểm hơn, trong hốc mũi có động mạch sàng, nếu vắt hút máu đúng vào đó thì máu sẽ chảy nhanh và nhiều gây vỡ mạch, dễ dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, do mắt, mũi, họng thông nhau nên con vắt có thể luồn từ cửa mũi sau lên họng gây co thắt thanh quản khiến người bệnh khó thở.

 

Theo GS.TS Phạm Bình Quyền (Trung tâm Tài nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), vắt là loài động vật có vòng đời tính theo số năm, có khả năng tái sinh được. Một con vắt trưởng thành có thể hút 50ml máu một ngày. Vắt có nhiều ở miền núi, nơi có nhiều sông suối.

 

Vì vậy, để tránh phải sống chung với những con vật nguy hiểm này, tốt nhất là không nên tắm rửa, giặt giũ và uống nước ở sông, suối. Khi thấy có hiện tượng chảy máu mũi, cần sớm đến bệnh viện khám bệnh để tránh tình trạng mất máu kéo dài.

 

Theo Hà Giang

Tiền phong