“…Còn sữa để cho con”
GS Phạm Gia Cẩn thường có cách hỏi thi vấn đáp rất lạ thường như: “Khi bé mấy tháng tuổi thì có thể bế sang nhà hàng xóm chơi?”; “Khi bé mấy tháng tuổi thì cho ăn trứng gà?”; “Hãy so sánh sữa bò với sữa mẹ?”…
Nhiều sinh viên rớt kỳ 1 vì những câu hỏi oái oăm này.
Câu hỏi “Khi bé được mấy tháng tuổi thì có thể bế sang nhà hàng xóm chơi?” thì đa số sinh viên ớ ra vì chưa được dạy bao giờ. Câu trả lời chính xác là… “Khi bé đã được chủng ngừa đầy đủ”. Chủng ngừa đầy đủ rồi thì bế sang hàng xóm chơi sẽ an toàn, không còn sợ bị lây bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, sốt bại liệt… gì nữa. Câu hỏi này thực ra là để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủng ngừa. Thay vì hỏi lịch tiêm chủng thì sinh viên nào cũng trả lời ro ro, ông đã đặt một câu hỏi như vậy.
Rồi câu hỏi “Mấy tháng thì có thể cho bé ăn trứng gà?” cũng là câu dễ bí. Câu trả lời chính xác là… năm tháng. Vì tuổi đó trẻ có thể tiêu hoá được trứng do chức năng gan đã hoàn chỉnh, đã hoạt động tốt. Câu hỏi này mục đích là hỏi về dinh dưỡng của trẻ. Trẻ phải được cho ăn giặm (ăn sam) đúng cách thì mới có thể phát triển đầy đủ. Sữa mẹ tuy tốt nhất, nhưng chỉ tốt nhất trong sáu tháng đầu đời, sau đó, nếu không biết cho ăn giặm thêm, trẻ sẽ không đủ dinh dưỡng để phát triển. Chẳng hạn riêng về chất sắt để tạo máu, muốn có đầy đủ thì từ tháng thứ năm, trẻ phải bú tới… năm hoặc bảy lít sữa mẹ mỗi ngày. Chuyện không thể, nên trẻ phải được ăn giặm thêm. Ta biết sắt có rất nhiều trong rau xanh, gan, trứng…
Nhớ lại thuở đó mới thấy học nhi khoa là học cách chăm sóc trẻ, nuôi nấng trẻ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện chớ không phải chỉ biết chữa bệnh khi trẻ đau ốm. Trẻ con không phải là một người lớn thu nhỏ. Trẻ con khác với người lớn ở chỗ trẻ đang phát triển và đang tăng trưởng. Bộ não của một trẻ hai tuổi đã phát triển bằng 80% bộ não của người lớn. Chiều cao của một trẻ hai tuổi (khoảng 85cm) thì đã bằng một nửa chiều cao của người lớn. Do vậy, nuôi con giỏi chính là nuôi ở hai năm đầu đời này. Không chỉ vậy, trẻ tăng trưởng và phát triển không chỉ nhờ sữa, nhờ thức ăn mà còn nhờ tình thương của cha mẹ. Không có tình thương thì trẻ sẽ còi cọc cả thể chất lẫn tinh thần. Ta hiểu tại sao ngày nay thế hệ trẻ ở một số nước phát triển - thừa mứa vật chất - mà nhiều vụ tự tử, nhiều vụ ria súng… xảy ra “không rõ nguyên nhân”.
Trẻ không thể lớn nổi, không thể thành người nếu thiếu tình yêu thương. Và đó là lý do tại sao tất cả các thứ sữa nhân tạo, dù làm bằng sữa bò, sữa trâu, sữa lạc đà, sữa dê, sữa đậu nành… đều không thể so sánh với sữa mẹ. Bởi sữa mẹ, ngoài chất dinh dưỡng tuyệt vời ai cũng biết còn có những thứ khác nữa, không thể tìm đâu ra. Thí dụ… mùi mồ hôi chua lét của mẹ, mùi tóc tai lòng thòng của mẹ, mùi à ơi của mẹ. Trong lúc đang hí hửng nhơi nhơi sữa mẹ, bé có thể cắn một phát đau điếng do thiếu sữa, do ngộp sữa, do mẹ lơ đễnh, không “chánh niệm”, vừa cho bú vừa nghĩ đâu đâu… Mẹ đau quá, đét một phát vào mông bé, rồi hối hận siết chặt con vào lòng… Một tương tác, một khúc hoà tấu. Không thể tìm thấy ở đâu với sữa nhân tạo.
Đời sống bây giờ, người mẹ “hiện đại” vội vã làm sẵn một lô sữa bò, có bổ sung các chất thông minh… này nọ, rồi tất tả ra đi cho kịp giờ hội nghị, cho kịp thương thảo hợp đồng, bỏ trẻ bơ vơ với một đống tiện nghi từ đồ chơi đến thức ăn thì vẫn còn thiếu cái tình âu yếm đó, cái mùi mồ hôi đó, khúc hoà tấu không lời đó. Và thế là trẻ lớn lên trong sự… căm thù xã hội, mà đại diện gần gũi nhất chính là bà mẹ vắng nhà.
Người ta đã làm những thí nghiệm để chứng minh. Trẻ khóc rấm rứt, cẳn nhẳn khó chịu, bỏ ăn bỏ ngủ, chỉ cần cho trẻ ngửi cái áo cũ đầy mùi mồ hôi của mẹ, trẻ nín khóc ngay. Trẻ sơ sinh chỉ cần nghe khúc thu băng nhịp tim của mẹ, trẻ cũng ngủ ngon lành. Người cha cũng vậy. Con có cha như nhà có nóc không phải là một câu nói ngoa (mặc dù hiện nay đã có những ngôi nhà trăm nóc!)
Trở lại câu hỏi thi môn nhi khoa: “Hãy so sánh sữa bò với sữa mẹ”, sinh viên nào cũng hí hửng tưởng trúng tủ, thao thao bất tuyệt nhưng vẫn không làm giáo sư hài lòng. Ông lắc đầu lia lịa và kêu bổ sung, bổ sung nữa. Khi sinh viên chịu bí, ông mới thủng thẳng nói: “Anh quên so sánh cái… bình bú!” Không có cái bình nào đẹp đẽ, căng tròn, phình xẹp, hồng hào, thơm tho… như cái bình sữa mẹ! Lúc nào cũng ủ đúng 37oC không hơn không kém, lúc nào cũng sạch sẽ, tươi mát, hợp vệ sinh, chẳng cần phải hấp luộc, khử trùng chi cả. Người mẹ chỉ cần vạch áo, nặn vài giọt sữa đầu tiên rửa qua cái núm thế là xong.
Trong vài giọt sữa đó đã có đủ chất kháng khuẩn rất tốt rồi. Có người cãi, biết đâu đôi khi cũng có mùi khác lạ, như mùi thuốc lá, mùi bia bọt… thì sao? Nhưng đó là chuyện khác. Trẻ sẽ tỏ ngay thái độ, không khoan nhượng.
Tôi sực nhớ câu thơ của một nữ thi sĩ hơn 40 năm về trước: “Ngực cho anh còn sữa để cho con” (Hồng Khắc Kim Mai, Mắt màu nâu, Sài Gòn, 1965). Nhà thơ viết những câu thơ đó lúc tuổi mới đôi mươi, nghe nói còn chưa có người yêu! Hồng Khắc Kim Mai còn có những câu thơ viết về cái… bình bú khá hấp dẫn: “Ngực em tròn thật tròn/ Nhấp nhô từng hơi thở/ Áo cài khuy nút hở/ Cho người thèm thân em/ Cho người hôn lên trên… ”. Chuyện đáng ngại bây giờ là người ta dần quên vế thứ hai: còn sữa để cho con, mà chỉ nhớ vế thứ nhất. Người ta bắt đầu chăm chút kỹ cái bình bú, làm đẹp nó về hình thức như bơm, độn, tạo hình… có khi là với silicon, có khi là với túi nước muối khéo léo chèn đâu đó. Tưởng tượng đi đâu cũng phải mang theo mấy túi nước muối chắc cũng chẳng vui gì. Lại phải luôn cảnh giác: “nhẹ tay, dễ vỡ”. Chưa ai làm một phỏng vấn các bé cảm nghĩ thế nào khi được bú cái bình bú ướp muối này.
Thiên nhiên cũng lạ, có người hồi nhỏ nhỏ xíu (“Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương” - Trần Tiến), vậy mà khi có con, sữa tràn đầy thì ngực cũng lớn lên theo sữa. Nói khác đi, cái bình bú thiên nhiên đó phát triển theo nhu cầu, nó nhấp nhô… theo từng hơi thở, mới ngộ!
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc
SGTT