Con đường lây lan của sán lá phổi

(Dân trí) - Quê tôi vẫn lưu truyền bài thuốc giúp các đô vật trong làng tăng lực trước khi vào trận đấu đó là uống một bát nước cua đặc để tăng cường sức lực, vật khoẻ và dai sức hơn. Đó có phải là nguyên nhân gây sán trong phổi? Bệnh này lây lan qua con đường nào? (Lê Đình Quyền- Hà Tây).

Trả lời của bác sĩ Phùng Chúc Long, Cục VSATTP

 

Đúng là trong nước cua có nhiều chất bổ dưỡng, nhưng cũng chính là món ăn sống có chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây ngộ độc cho người dùng, đặc biệt là bệnh sán lá phổi.

 

Ổ bệnh sán lá phổi vừa được phát hiện chính là nguyên nhân gây ra cái chết của 3 người  và hơn 400 người bị ho ra máu do ăn cua đá ở Lục Yên, Yên Bái.

 

Cần chú ý: sán lá phổi (Paragonimusringeri) ký sinh trong phổi và ở những phế quản nhưng lại là bệnh lây theo đường tiêu hóa và có liên quan mật thiết đến tập quán  ăn cua, tôm  nấu chưa chín và uống nước cua sống. Trứng sán từ bệnh nhân được bài xuất theo đờm xuống nước và hình thành ấu trùng ở trong. Ấu trùng này sau khi thoát ra ngoài vỏ trứng sẽ tìm đến một số loài ốc để sống ký sinh sau đó lại tìm sang loài cua và tôm sống nước ngọt để để ký sinh dưới dạng nang trùng. Và gỏi cua, tôm  hay nước cua sống chính là con đường thuận lợi để sán lá phổi nhanh chóng lọt vào cơ thể của người. Chính vì vậy mọi người nên nấu chín cua, tôm để đảm bảo cho sự an toàn của bản thân., tránh căn bệnh nguy hiểm này.

                                                                                                Phạm Thanh (ghi)