“Con cái chăm sóc có khi cũng không được bằng các bác sĩ”
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của người nhà bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong không khí hướng tới kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Con cái chăm sóc cũng không được như bác sĩ
Cận kề 27/2, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Đã 10 giờ trưa, khắp các hàng lang, bóng áo trắng tất tả ngược xuôi. Tại cửa Khoa Gây mê hồi sức, ông Nguyễn Hữu Thoan ở tổ 35 đường Trần Lãm, TP. Thái Bình trò chuyện với chúng tôi. Mẹ ông Thoan là cụ Trần Thị Hợi, 80 tuổi, bị tai biến rồi ngã vào nước sôi, bỏng khá nặng. Sau 5 ngày vào viện, sức khỏe của cụ có chuyển biến tích cực. Quá trình nằm viện, lần nào vào thăm ông Thoan cũng thấy mẹ mình được thay rửa quần áo sạch sẽ, thuốc thang đầy đủ,… “Con cái chăm sóc có khi cũng không được như các bác sỹ làm, tôi thực sự khâm phục và xúc động trước sự chu đáo của các y bác sỹ khoa Hồi sức tích cực”, ông Thoan cho biết.
Còn anh Phạm Văn Chủ ở Minh Khai, Hưng Hà, Thái Bình (là con trai bệnh nhân Bùi Thị Viên, 82 tuổi), cho biết, mẹ tôi nhập viện ngày 24/01/2014 trong tình trạng bệnh nặng, tuổi cao lại đúng vào dịp Tết Giáp Ngọ nên chúng tôi không khỏi lo lắng và đã thực sự lo lắng đến tột độ khi ngay tối hôm đó lãnh đạo kíp trực thông báo tiên lượng sức khỏe của mẹ tôi rất xấu, chỉ số bạch cầu quá thấp. Trước tình hình đó, chúng tôi rất dao động trong việc xin ở lại hay chuyển đi Hà Nội nhưng rồi quyết định đặt trọn niềm tin vào chuyên môn của Khoa Gây mê hồi sức với quyết tâm của gia đình và tinh thần còn nước còn tát, không chịu bó tay. Khoa Hồi sức tích cực đã quyết chiến với tử thần.
Nhiều lúc chạnh lòng, tủi thân
Có mặt ở khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, chúng tôi thực sự thấm thía câu nói của thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Hà Quốc Phòng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, với những người quyết theo nghiệp y khoa: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Mấy chục giường bệnh với máy móc, thiết bị y tế dày đặc, tất cả bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê, hoặc không cử động,… Chỗ này là nhóm bác sỹ đang theo dõi chỉ số trên màn hình và trao đổi khe khẽ; phía kia là nhóm đang giúp một bệnh nhân vệ sinh; góc phòng lại một nhóm tiêm;… Ai nấy chăm chú và tận tụy với công việc của mình.
Ba năm nay, người nhà không phải tham gia bất cứ công việc nào, chỉ vào thăm nom theo đúng giờ quy định của bệnh viện.
Nhìn những bệnh nhân mê man trên giường bệnh được các y, bác sỹ thay rửa, chăm sóc, mới thấy hết ý nghĩa của chữ “từ mẫu” của ngành y.
Gần 25 năm gắn bó với nghề, bác sỹ Tuấn bảo có đôi khi anh thấy chạnh lòng, tủi thân, lấn cấn… bởi nhiều báo đài đưa tin về ngành y quá xấu, toàn thông tin buồn, mặt trái. “Bác sỹ cũng là những người thợ, ai cũng muốn làm tốt nhất công việc của mình. Không ai trong chúng tôi muốn có sai sót, nhưng khi có sai sót thì chỉ có ánh mắt dành cho “tội đồ” chứ không có sự cảm thông, chia sẻ nào… Mấy chục năm qua, có những người thầy lớn vừa gợi cảm hứng, vừa là tấm gương để tôi nhìn vào mà sống và cống hiến nhiều hơn, quên đi nỗi buồn”, bác sỹ Tuấn chia sẻ.
Và quả thực hôm chúng tôi đến, sát ngày 27/2, bàn làm việc của bác sỹ chỉ toàn giấy tờ, hồ sơ bệnh án, tuyệt nhiên không có lẵng hoa, giỏ quà nào.
Hàng trăm bằng khen cũng chẳng có ý nghĩa gì....
Tiếp chúng tôi trong căn phòng “tổng hợp” BS Hà Quốc Phòng giải thích đây vừa là phòng truyền thống, vừa là phòng họp của cơ quan. “Bệnh viện vốn có phòng truyền thống, nay phải nhường phòng để có thêm diện tích kê giường bệnh”, ông Phòng giải thích khi chúng tôi hỏi vì sao căn phòng lại treo hàng trăm bằng khen, giấy khen, cờ thi đua.
“Hàng trăm bằng khen, giấy khen, cờ thi đua,… treo khắp căn phòng “tổng hợp” này rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu mang so sánh với những lá thư cảm ơn, những cái bắt tay rưng rưng nước mắt của bệnh nhân và người nhà của họ. Chúng tôi vì thế, từ đó mà phấn đấu…”.
Lời nói của bác sỹ Phòng khiến chúng tôi thấy ấm áp và vững tin. Ấm áp vì sự chia sẻ chân tình, vững tin vì biết ngành y vẫn rất cao quý.
Bác sỹ Bùi Thị Lâm Anh, Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức đứng trò chuyện với chúng tôi ngay cạnh một chiếc băng ca về những kỷ niệm buồn vui suốt 25 năm trong nghề. Đó là câu chuyện gần chục năm trước của một cháu bé bị viêm thanh quản, nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, khó thở. Bác sỹ Lâm Anh kết hợp với Khoa Tai mũi họng để mở khí quản và cứu bệnh nhân và chị bảo khoảnh khắc giành được sự sống cho bé trai 4 tuổi với khuôn mặt khôi ngô khiến chị hạnh phúc vỡ òa. Lần khác lại một bé trai là độc đinh của dòng họ nhưng cha mẹ đã ly hôn. Nhận được tin của Bệnh viện huyện Kiến Xương, chị Lâm Anh cùng một đồng nghiệp tức tốc chạy xuống thì thấy một bà cụ mếu máo đứng cạnh đứa cháu với con dao bấm cắm vào tim. Đa số bác sỹ đều tiên lượng xấu, bác sỹ Lâm Anh khẳng định: “Sắp chết cũng phải cứu, còn nước còn tát!”. Ca mổ sau đó đã thành công ngoài mong đợi. Rất lâu sau, khi cậu bé ra viện, bà nội tìm đến cảm ơn bác sỹ Lâm Anh với lời tâm sự: “Câu nói của bác sỹ phải bằng mọi giá cứu được thằng bé khiến tôi không thể nào quên…”. |
Huyền Anh