Coi chừng phát ban, nổi mẩn… đánh lừa

Những tổn thương trên da như phát ban, nổi mẩn có thể do nhiễm siêu vi hay bệnh da liễu và trở nên nguy hiểm nếu chăm sóc không đúng cách.

Con trai 3 tuổi vừa nổi ít mẩn đỏ trên cánh tay phải, chị Nguyễn Thúy D. (30 tuổi) đã vội đưa đi khám tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM). “Con tôi hay nổi mẩn, nổi ban. Năm ngoái, cả nhà tưởng con sốt, phát ban do dị ứng thức ăn nhẹ nên để ở nhà chăm sóc, ai ngờ nửa đêm cháu sốt quá cao, đi cấp cứu mới biết là bị tay chân miệng” - chị kể.

Tự xử lý: Đủ kiểu tai hại

Vào thời điểm này tại TP HCM, khi mùa nắng nóng bắt đầu cũng là lúc nhiều căn bệnh nhiễm siêu vi như tay chân miệng, thủy đậu, sốt phát ban… tìm đến nhiều người. Trong khi đó, sốt xuất huyết, Zika vẫn rải rác xuất hiện do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, một số nơi muỗi sinh trưởng nhiều. Đặc điểm chung của các bệnh này là thường gây ra tổn thương da với những dạng khác nhau. Ngoài ra, thời tiết nóng dần cũng tạo điều kiện cho các bệnh da liễu thông thường xuất hiện cùng những tổn thương trên da.

Đối mặt với các dạng tổn thương da (dân gian hay gọi là nổi ban, nổi mẩn), không ít người bệnh đã tìm cách tự xử lý như mua thuốc bôi, nấu lá ngâm hoặc… chẳng làm gì cả và hy vọng ban sớm lặn, để rồi rơi vào các tình huống dở khóc dở cười.

Một trường hợp tổn thương da khiến người bệnh lầm tưởng là những dấu xuất huyết dưới da nhưng thật ra là bị đỏ da do dị ứng
Một trường hợp tổn thương da khiến người bệnh lầm tưởng là những dấu xuất huyết dưới da nhưng thật ra là bị đỏ da do dị ứng

Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP HCM, từng gặp những cháu bé đến khám bệnh với trạng thái… tím ngắt khắp mình vì thuốc bôi xanh methylene, loại có tác dụng chống nhiễm trùng da rất tốt trong một số bệnh có tổn thương da dễ nhiễm trùng như thủy đậu. Nhưng nhiều bệnh nhi không hề bị thủy đậu nên thuốc bôi này không có tác dụng gì, ví dụ như ở đa số trẻ bị tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tác dụng duy nhất của nó là… cản trở việc chẩn đoán của BS bởi màu xanh bám lâu của thuốc khiến BS khó quan sát tổn thương trên da - một yếu tố quan trọng để chẩn đoán bệnh.

Nếu thực sự tổn thương ấy là bệnh da liễu thì việc tự mua thuốc bôi cũng không cho kết quả khả quan hơn. “Hai khả năng có thể xảy ra: một là dùng sai thuốc, hai là dùng đúng thuốc nhưng sai về cách dùng, liều lượng... Cả 2 trường hợp đều gây tác động xấu đến căn bệnh. Tôi đã gặp nhiều trường hợp thanh thiếu niên bị nấm bẹn, vốn khá dễ trị nếu gặp BS chuyên khoa. Thế nhưng, nhiều em đã đến BV trong tình trạng vùng tổn thương lan rất rộng, bị nứt da, teo da… do tác dụng phụ của việc lạm dụng thuốc bôi chứa corticoid” - TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP HCM, phân tích.

Những cơn sốt hành hạ

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, đa số trường hợp mắc bệnh nhiễm siêu vi có xuất hiện tổn thương da đều nổi ban, mẩn, mụn nước… theo một dạng đặc trưng nào đó và người dân không khó để tham khảo các thông tin này, song cũng đừng vì vậy mà chủ quan. Bởi có rất nhiều trường hợp biểu hiện khác với số đông, ngay cả BS cũng khó lòng xác định bệnh chỉ qua những tổn thương trên da. “Tốt nhất, khi phát hiện các tổn thương da, hãy đi khám. Ngoài ra, đối với một số căn bệnh nhiễm siêu vi, có khi tổn thương da không hoặc chưa xuất hiện nhưng người bệnh đã bị hành hạ bởi những cơn sốt. Nếu sốt đến ngày thứ hai thì phải đến BS” - BS Tiến khuyến cáo.

TS-BS Nguyễn Trọng Hào cho rằng việc cố gắng tự nhận biết, thậm chí là tự tìm cách xử lý, có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều rủi ro. Ông khuyên: “Bạn có thể tìm gặp một BS ở gần nhà hay ở BV địa phương để được kiểm tra, nếu cần thiết thì họ sẽ hướng dẫn lên tuyến trên”.

Tình huống còn nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân mắc bệnh nhiễm mà tưởng lầm là bệnh da liễu và ngược lại. Nỗ lực tự xử lý không những vô tác dụng mà còn dẫn đến rủi ro rất cao khi người bệnh bị biến chứng nặng và không được đưa đến BV kịp thời.

Nhiều loại tổn thương da không cần xử lý

Theo các BS chuyên khoa nhiễm, rất nhiều loại tổn thương da trong các bệnh nhiễm nhìn có vẻ “khủng khiếp” nhưng thực chất sẽ biến mất sau cơn bệnh, như những dấu xuất huyết dưới da trong sốt xuất huyết hay ban ở bệnh tay chân miệng.

Ngay cả bệnh thủy đậu, ngoài thuốc bôi có tác dụng sát khuẩn khi cơ thể đang nổi bóng nước, thuốc chống sẹo là không cần thiết như nhiều người lầm tưởng.

Nếu chịu khó vệ sinh cơ thể đều đặn, không chọc vỡ các bóng nước (nốt rạ) thì sau cơn bệnh, các bóng nước này sẽ tự động xẹp, để lại một vết thâm nhỏ và tự biến mất hoàn toàn sau vài tháng mà không cần bất kỳ biện pháp chống sẹo nào.

Trái lại, sẹo sẽ xuất hiện nếu bệnh nhân không chịu tắm hay làm vỡ các bóng nước dẫn đến nhiễm trùng.

Theo Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm