Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc TT chống độc BV Bạch Mai, hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học nghiên cứu về hiện tượng ăn thịt cóc sống chữa ung thư mà Bộ Y tế vừa thành lập.
Các nghiên cứu cho thấy, trong nọc cóc có chất bufagins, (giống với chất độc có trong cây trúc đào và nếu được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng về liều lượng sẽ có tác dụng trong điều trị suy tim); tetrodotoxin (có trong cả cá nóc và nếu trúng độc, sẽ bị co mạch, tăng huyết áp, làm cho tim đập nhanh hoặc chậm...).
Những người bán ruốc cóc luôn khẳng định họ có nhiều kinh nghiệm làm thịt cóc sạch để không dính độc tố...
Trong thực tế suốt thời gian làm công tác điều trị chống độc, GS Dụ đã chứng kiến nhiều ca ngộ độc đau lòng vì ăn thịt cóc. Trong đó, GS Dụ vẫn nhớ như in trường hợp của 3 ông cháu phải vào Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cấp cứu vì ngộ độc thịt cóc năm 2001. Ông nội bắt và làm cóc cho cháu ăn. Dù đã cẩn thận lột da, bỏ mỡ, chỉ lấy phần nạc ở đùi, thân... nhưng sau ăn, một cháu chết ngay tại nhà, một cháu vào viện trong tình trạng bị rối loạn nhịp tim, phải đặt nội khí quản và điều trị chống độc.
“Dù thịt, mỡ cóc không có độc nhưng tôi vẫn khuyên người dân không nên sử dụng nguồn thực phẩm này. Vì khi chế biến không cẩn thận, chẳng may chất độc của da, nọc cóc dính vào thịt, sau đó lại chế biến cho trẻ ăn sẽ rất nguy hiểm, thậm chí tử vong. Điều đó không ai có thể lường trước, không ai có thể khẳng định mình làm khéo đến mức độc tố không dính vào thịt. Hơn nữa trong cóc chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng, nếu chế biến không kỹ, giun sán, ký sinh trùng sẽ gây hại cho cơ thể”, GS Dụ nói.
Nhưng với khâu chế biến này, chất độc từ da, mủ có rất dễ dính vào phần thịt ở đùi, thân cóc
GS Dụ cũng cho biết hội đồng khoa học được Bộ Y tế lập nên có rất nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chống độc, ung thư. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ cử một đoàn vào tận Quảng Bình, gặp những bệnh nhân mà báo chí phản ánh họ ăn cóc để chữa ung thư, nhằm khám, kiểm tra, tiến hành xét nghiệm, sinh thiết xem chắc chắn họ có bị ung thư hay không. Sau đó sẽ tiến hành theo dõi đánh giá tình trạng sức khỏe họ trước và sau khi ăn cóc.
Người dân có thể nhận biết dấu hiệu ngộ độc cóc như thấy tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, các rối loạn nhịp tim nguyên hiểm, hạ huyết áp, một số trường hợp có thể co giật...
|
Hội đồng khoa học cũng sẽ lấy một số mẫu giống cóc ở Quảng Bình, lấy mẫu các bộ phận cóc mà bệnh nhân thường ăn, sau đó sẽ nghiền thành dung dịch để thử nghiệm trên súc vật, xem khi súc vật sử dụng nguồn dung dịch này có bị ngộ độc hay không. Các thử nghiệm lâm sàng này sẽ do Đại học Y Hà Nội tiến hành.
“Nghiên cứu hiện tượng ăn cóc sống chữa ung thư, đây là một vấn đề rất mới, y văn trên thế giới cũng ít đề cập, vì thế, chúng tôi không thể vội vàng. Theo tôi, cần phải mất từ 3-5 năm mới đủ cho thời gian nghiên cứu. Và tôi cũng khẳng định lại, chúng tôi mới bắt đầu quá trình nghiên cứu về vấn đề này, vì thế, người dân nên ngừng ăn cóc sống trước khi có câu trả lời rõ ràng của khoa học”, GS Dụ khẳng định.
Hồng Hải