Có thể lây bệnh qua đường châm cứu?
(Dân trí) - Câu chuyện 16 người Thuỵ Sĩ nhiễm HIV đã khiến nhiều người giật mình dù không biết sự việc là do vô tình hay cố ý. Một câu hỏi đặt ra là châm cứu tại Việt Nam có đảm bảo an toàn.
PGS.TS Nghiêm Hữu Thành đang châm cứu cho 1 bệnh nhân (Ảnh minh họa)
Đem thắc mắc này trao đổi với PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc bệnh viện Châm cứu TƯ, ông nói: “Việc dùng chung kim châm không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn cả nhiều bệnh lây truyền khác nữa. Vậy nên nhất thiết phải có kim sạch khi thực hiện châm cứu”.
PGS.TS Nghiêm Hữu Thành giải thích: Về nguyên tắc, cũng giống như kim tiêm, kim châm cứu hoàn toàn có thể lây bệnh nếu dùng chung mà không được hấp, tiệt trùng đúng cách bởi nguyên lý chung của kim là xuyên qua da, tiếp xúc với các mô, tế bào và cả các mạch máu. Do đó, cũng giống như kim tiêm, kim châm cứu ngày nay cũng được thiết kế theo dạng dùng 1 lần. Còn cách đây dăm năm, kim châm cứu được dùng chung theo hình thức hấp tiệt trùng. Và trước năm 1985-1986 thì kim châm được vô trùng bằng cồn.
Về khả năng sử dụng chung kim châm cứu, PGS.TS Nghiêm Hữu Thành cho rằng: “Rất khó xảy ra tình trạng dùng chung bởi bộ kim châm cứu là do người bệnh tự mua và giá thành cũng rất rẻ, tính ra chỉ khoảng vài chục đồng 1 kim”.
“Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Châm cứu TƯ chưa từng ghi nhận trường hợp bị nhiễm bệnh nào do kim châm cứu gây ra”, PGS.TS Thành khẳng định.
Trần Phương