Có thể đau tim vì xem trận đấu bóng đá kịch tính?
(Dân trí) - Mặc dù thông tin 1 thanh niên bị trụy tim khi theo dõi trận đấu Việt Nam - Quatar trên mạng xã hội đã bị gỡ bỏ vì vô căn cứ nhưng liệu thực sự có rủi ro ở những người có tiền sử tim mạch, huyết áp khi xem những trận đấu kịch tính? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, về vấn đề này.
Theo PGS.TS Quang Tuấn (ảnh trên), bóng đá nói riêng và thể thao nói chung có tác dụng tích cực với tim mạch. Những nghẹt thở, căng thẳng trong suốt trận đấu chính là stress dương tính, tức là stress tích cực.
Những cảm giác “đứng tim”, “nhói tim”… trong những trận đấu kịch tính chỉ là cảm xúc còn trái tim của người bình thường hay người bệnh đều hoàn toàn có thể chịu đựng được.
“Trái tim chúng ta được rèn luyện sức khỏe sau mỗi trận đấu bóng”, PGS.TS Quang Tuấn nói.
Đặc biệt, khi trận đấu kết thúc với kết quả tích cực, cơ thể sẽ tiết ra một loại hoóc môn hóc vui vẻ, hưng phấn giúp cho tim đập nhanh hơn, lòng mạch giãn ra và máu đi nuôi cơ thể cũng nhiều hơn. Nó giúp chúng ta sống khỏe mạnh, yêu đời và gần gũi nhau hơn
“Trong niềm vui chiến thắng, chúng ta bỏ qua tất cả các rào cản xã hội, cả Việt Nam là một. Đây là hiệu quả cực kỳ quan trọng của bóng đá, không chỉ là môn thể thao mà là sự gắn kết”, TS. Tuấn nói.
Minh chứng cho điều này, PGS.TS Tuấn cho biết, trừ những bệnh nhân nằm cấp cứu, đang trong tình trạng đặc biệt, còn gần 400 bệnh nhân nội trú (là những bệnh nhân bị tim nặng, không thể điều trị ngoại trú) vẫn xem các trận đấu bóng đá, đặc biệt là 2 trận đấu tứ kết và bán kết của tuyển U23 Việt Nam và hoàn toàn không xảy ra bất cứ vấn đề gì. Thậm chí, có những bệnh nhân bình thường kêu ca đau ngực, tức ngực nhưng trong cả trận đấu thì trở thành người bình thường.
“Cho tới nay, bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào tới cấp cứu hoặc gọi tư vấn cấp cứu liên quan tới tim mạch do bóng đá gây ra”, PGS.TS Quang Tuấn nói.
PGS.TS Quang Tuấn cũng lưu ý nguy cơ tai nạn giao thông do ra đường khi quá chén sau ăn mừng chiến thắng tai nạn giao thông hay stress vì thua độ, dẫn tới đốt nhà, tự tử…
Nhịp tim tăng như thế nào khi xem trận đấu kịch tính?
Một nghiên cứu nhỏ đăng tải trên tạp chí Tim mạch Canada cuối năm 2017 cho thấy xem 1 trận thi đấu thể thao có thể gây căng thẳng cho tim giống như chính bạn đang chơi trong trận đấu đó.
Theo đó 20 người trưởng thành sống ở Montreal, không có tiền sử bệnh tim sẽ cung cấp thông tin chung về sức khỏe bản thân cũng như họ đã đặt cược như thế nào cho đội tuyển khúc côn cầu nơi họ sống.
Tiếp đó, các nhà khoa học ĐH Montreal sẽ đo nhịp tim của họ khi xem trận thi đấu giữa đội tuyển quê nhà với đội bạn. Một nửa sẽ xem qua truyền hình và một nửa sẽ đến xem trực tiếp.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mạch của những người này tăng 75% khi xem 1 trận thi đấu trên tivi và tăng 110% khi xem thi đấu trực tiếp. Nhịp tim này tương đương với 1 bài tập vừa kéo dài 39 phút và bài tập nặng kéo dài 72 phút.
Tổng cộng, nhịp tim của các tình nguyện viên đã tăng trung bình 92% trong suốt trận đấu, từ mức nghỉ ngơi khoảng 60 lần/phút đến cao trào 114 lần/phút. Nhịp tim tăng mạnh trong các cơ hội ghi bàn của cả 2 đội và trong suốt trận đấu, chứ không chỉ thời điểm bắt đầu hay thêm giờ.
“Cá độ không liên quan với tình trạng này mà chỉ là phản ứng của cảm xúc”, tác giả nghiên cứu viết, “và đó là trải nghiệm sự phấn khích trong những thời điểm cao trào của trận đấu”.
Điều thú vị là không có sự khác biệt nhiều ở những người thực sự hâm mộ đội bóng nào. Nhịp tim của họ không hề bị ảnh hưởng dù họ đang đứng giữa những fan hâm mộ cuồng nhiệt hay yếu tố giới tính. Các tác giả cho biết thiết kế bảng hỏi này được điều chỉnh từ các bảng hỏi trong các nghiên cứu trước đó nên đã cho ra kết quả chính xác hơn.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy mối liên quan giữa các sự kiện thể thao với tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột tử ở một số khán giả, đặc biệt là những người có bệnh mạch vành.
Theo đó, một trận thi đấu cũng là một nguồn “căng thẳng” mà có thể làm gia tăng các chỉ dấu viêm và co thắt mạch máu ở những người có vấn đề về tim. Và trong khi những ảnh hưởng này không gây tác động xấu nào đối với các tình nguyện viên nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có thể kích hoạt 1 vấn đề ở tim.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở BV Zuckerberg San Francisco và ĐH Montreal đều cho rằng bằng chứng về sự cố ở tim do các yếu tố kích hoạt, trong đó có các sự kiện thể thao, là chưa rõ ràng.
“Nếu cho rằng các yếu tố ngoại cảnh kích hoạt vấn đề ở tim thì các chiến lược phòng ngừa có sẽ chẳng có ích gì”.
Việc xem 1 trận thi đấu chỉ là một trong những hoạt động vốn rất quan trọng với chất lượng sống hơn là liên quan với 1 nguy cơ sức khỏe nào đó”.
Nhưng các nhà khoa học cũng bày tỏ thận trọng khi khuyên bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ về những nguy cơ tiềm ẩn khi xem các sự kiện thể thao có kịch tính cao.
Trần Phương