Có thể chữa bệnh "bóng đè"?

Thu Hải (19 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng hay bị bóng đè. Sợ bị chết trong giấc ngủ, cô không bao giờ dám ngủ một mình, mà đòi em gái ngủ cùng, dặn khi nào thấy chị ú ớ thì gọi dậy.

Đang ngủ, Hùng (Quỳnh Mai, Hà Nội) chợt thức giấc và nhận ra mình đang ngừng thở, người tê cứng, không thể cử động được, như có vật gì rất nặng đè lên ngực. Anh cố hết sức để vùng vẫy, đẩy cái “vật nặng” ấy ra nhưng các cơ không chịu nghe lời. Anh muốn gọi người bên cạnh lay giúp để thoát khỏi trạng thái đáng sợ đó nhưng chỉ có thể phát ra những tiếng ú ớ nhỏ. Thường phải tự vật lộn một lúc lâu, Hùng mới “hất” được “vật nặng”, anh thở hổn hển vì mệt và sợ.

 

Những cơn bóng đè này xuất hiện khá thường xuyên, vào lúc Hùng lơ mơ ngủ, thậm chí trong giấc ngủ trưa. Vì khi ở nhà cũ, anh không bị như vậy nên mẹ anh khuyên nên đi tìm thầy để xem và làm lễ, cúng bái.

 

Căng thẳng trong công việc dễ gây "bóng đè"
 

 

Có thể chữa bệnh "bóng đè"? - 1


Bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết, hiện tượng mà Hùng và Hải gặp phải không phải là một bệnh, lại càng không liên quan đến vấn đề mê tín như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đây thực chất là một dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn (không có tổn thương thực thể), nguyên nhân chủ yếu là căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc. Những yếu tố tâm lý này kích thích lên vỏ não, gây ra hiện tượng bóng đè. Bác sĩ Hiển cũng cho biết, cũng có khi bóng đè là dấu hiệu của một số bệnh tim mạch, nhưng những trường hợp này chiếm rất ít.

 

Bóng đè thường xuất hiện ở những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, những người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, hoặc người khoẻ nhưng một lúc nào đó có điểm yếu trong tinh thần. Những người hay sử dụng bia, rượu, chất kích thích cũng dễ bị bóng đè hơn.

 

Về trường hợp của anh Hùng, bác sĩ Hiển cho rằng, có thể nguyên nhân là anh chưa quen nhà mới, dẫn đến tâm lý bất an và đây là nguyên nhân khiến anh bị bóng đè khi ngủ. Nhiều người thấy mình đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị bóng đè như anh Hùng thì nghĩ là do ma ám nên “chữa” bằng cách để roi dâu, để dao trên đầu giường, cúng bái… Và sau khi làm như vậy, nhiều trường hợp chứng bóng đè biến mất. Bác sĩ Hiển giải thích, có thể những biện pháp trên khiến họ cảm giác yên tâm, hết stress và vì thế hết bị bóng đè.

 

Khi bị bóng đè, người ta sợ toát mồ hôi, muốn kêu cứu, cựa quậy mà đành chịu. Lúc này vỏ não hoạt động nhanh, các tế bào thần kinh kích động mạnh, nhiệt độ trong sọ tăng do tăng chuyển hoá, hoàn toàn không khác gì lúc thức. Tuy nhiên, các giác quan lại không tiếp xúc với bên ngoài, các bắp thịt không căng vì luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và cử động bị ức chế. Vì thế, người bị bóng đè mới có cảm giác bất lực như vậy.

 

Một số người khi bị bóng đè đã rất lo lắng vì trạng thái khó thở, không cử động được nhưng theo bác sĩ Hiển, đây chỉ là hiện tượng nhất thời, sẽ tự hết và không gây nguy hiểm.

 

Để đề phòng bóng đè, cách tốt nhất là xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tham gia các hoạt động giải trí... Ngoài ra, có thể trau dồi kiến thức để tăng khả năng thích nghi với cuộc sống, giảm đi các áp lực trong công việc.

 

Trong giai đoạn ngủ chập chờn và hay mộng, những kích thích yếu lại gây ra đáp ứng mạnh. Chỉ cần một bàn tay đặt lên ngực khi nằm ngửa, hoặc không khí nhiều CO2, thậm chí chỉ cần nằm nghiêng bên trái cũng có thể gây bóng đè với mê hoảng dữ dội. Vì vậy, tư thế nằm ngủ phải thoải mái, làm cho toàn bộ cơ bắp giãn, đầu không vẹo lệch. Ngoài ra, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí.

 

Theo Lan Hương

Đất Việt