Có thể bại liệt vì đau thắt lưng

Ai trong cuộc đời cũng có ít nhất đôi lần thấy đau ở thắt lưng. Những cơn đau có thể đến vội vàng rồi ra đi nhanh chóng nhưng cũng có những cơn đau ở lại nhức buốt nhiều ngày. Có người phải nhập viện phẫu thuật, có người xử trí không kịp dẫn đến bại liệt.

Có thể bại liệt vì đau thắt lưng - 1


 
Có nhiều nguyên nhân gây ra những cơn đau này, trong đó thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hay còn gọi trẹo đĩa khớp sống thường xảy ra khi bạn nâng một vật nặng không đúng tư thế. Tuy nhiên nhiều người có thể không biết nguyên nhân. Trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và các cơn đau thắt lưng do nguyên nhân khác có thể cải thiện không phải phẫu thuật sau khi điều trị nội khoa đúng cách.

 

Tự mình cứu mình

 

Nếu đau vùng lưng, xảy ra sau một chấn thương gần đây, chẳng hạn như tai nạn xe cộ, té ngã, hay chấn thương trong thể thao… bạn nên đến bác sĩ ngay. Nếu đau lưng không kèm theo các triệu chứng về thần kinh như cảm giác tê bì, yếu liệt, rối loạn tiểu tiện... bạn có thể điều trị tại nhà vài ngày bằng những thuốc giảm đau thông thường và nằm nghỉ đúng cách. Một số thuốc giảm đau dành cho người lớn mà bạn có thể dùng:

 

Aspirin 500mg: ba hoặc bốn viên chia đều trong ngày, chống chỉ định trong viêm loét dạ dày.

 

Acetaminophen 500mg (Panadol, Tylenol): ba hoặc bốn viên chia đều trong ngày.

 

Ibuprofen 400mg: ba hoặc bốn viên chia đều trong ngày, chống chỉ định trong viêm loét dạ dày.

 

Vị trí Đĩa đệm

 

Đĩa đệm là một miếng đệm mềm nằm giữa hai đốt xương sống, giúp giảm chấn lực và giúp cột sống chuyển động dễ dàng. Đĩa đệm gồm có bao xơ bên ngoài và nhân nhầy ở dạng keo bên trong. Khi cấu trúc bao xơ bị yếu do đứt một số vòng sợi thì áp lực nhân nhầy sẽ đẩy chỗ đó phình ra, gọi là thoát vị đĩa đệm. Đĩa đệm thoát vị chèn ép lên tuỷ sống, các rễ thần kinh, gây các triệu chứng đau, tê, teo cơ, liệt cơ. Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra khi một đĩa đệm giữa hai đốt sống phồng bể ra và đè vào dây thần kinh trong ống sống.

 

Ngoài dùng thuốc, bạn nên nằm ngửa, tựa lưng trên một sàn hay giường phẳng với một gối kê dưới đầu gối; hoặc đầu gối cong và cẳng chân gác trên một cái ghế. Tư thế này giúp giảm áp lực và trọng lượng trên lưng bạn. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi tuyệt đối, không làm việc hay lao động gì khác, trong từ hai đến ba ngày là đủ. Cũng nên lưu ý, nghỉ ngơi kéo dài quá lâu có thể gây sự yếu cơ lưng mà điều này có thể làm bệnh chậm hồi phục. Dù đang đau, trong thời gian này bạn vẫn nên đi lại nhẹ nhàng nhiều lần trong ngày. Chườm nóng hoặc lạnh cũng có thể giúp giảm sự căng cơ, làm bớt đau một phần. Tập vật lý trị liệu, châm cứu và các bài tập thể dục khác không có giá trị trong giai đoạn cấp này.

 

Khi nào nên đến bác sĩ?

 

Nên đi gặp bác sĩ để khám ngay nếu sau khi đã uống thuốc giảm đau thông thường và nằm nghỉ ngơi từ 2-3 ngày mà những triệu chứng đau không cải thiện hoặc có những triệu chứng nặng: đau lan xuống chân, đau rõ khi bạn ho hay hắt hơi; cảm giác tê bì vùng bẹn, đùi, chân; cảm thấy yếu chân; đau tăng nhiều đến nỗi không thể đi lại trong nhà… Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh bằng thăm khám lâm sàng và có thể cho làm một số xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh để xác định xem có hay không một hay nhiều rễ thần kinh ống sống bị chèn ép; hay chỉ bị kích thích bởi đĩa đệm, cũng như loại trừ các nguyên nhân trầm trọng khác cũng gây đau thắt lưng. Không kể các trường hợp mảnh vỡ đĩa đệm quá to gây thương tổn chèn ép nặng, thông thường bác sĩ sẽ ghi toa điều trị nội khoa cho bạn và cũng sẽ khuyến cáo bạn nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong khoảng từ 2-4 tuần.

 

Những thuốc bác sĩ ghi toa giúp giảm đau, giảm sưng và giảm kích thích các rễ thần kinh bị tổn thương do chèn ép. Bao gồm nhóm thuốc giảm đau cơ xương và nhóm thuốc giảm đau thần kinh. Sự chọn lựa thuốc và phối hợp thuốc tuỳ thuộc từng người bệnh và mức độ bệnh. Bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

 

Nếu sau từ hai đến bốn tuần điều trị mà triệu chứng đau không thuyên giảm hoặc bạn có những triệu chứng sau: đau tăng nhiều làm hạn chế mọi sinh hoạt, lao động thường ngày; không thể đứng hay đi lại vì quá đau; đau lan xuống chân rõ và đau liên tục như vậy; xuất hiện các triệu chứng thần kinh như tê bì, mất tự chủ tiểu tiện, yếu liệt… bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến một cơ sở ngoại khoa chuyên khoa về phẫu thuật cột sống để có những chẩn đoán xác định cho một đề nghị phẫu thuật.

 

Cách phòng ngừa trẹo đĩa khớp sống

 

Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm nói chung và ở vùng cột sống thắt lưng nói riêng, cần chú ý sửa những thói quen đi đứng, khiêng vác không đúng; sớm điều trị các chứng bệnh gây ảnh hưởng xấu đến đĩa đệm như vẹo cột sống, chân ngắn chân dài, thừa cân béo phì, gù vẹo cột sống do chấn thương... Tránh ngồi một cách gò ép. Tránh khiêng vác các vật nặng không đúng tư thế, quá sức, đột ngột rướn người lên. Đứng khom lưng lâu cũng sẽ tác động xấu tới đĩa đệm. Không nên đứng nghiêng làm biến dạng cột sống, khiến các đĩa đệm chịu một lực không đều và tổn thương. Ngoài ra, cũng không nên đứng lâu ở một vị trí mà nên đi lại, đánh tay, nhún người… Tránh nằm sấp, nằm nệm mềm cũng làm cột sống bị biến dạng nên đĩa đệm dễ tổn thương.

 

Tập thể dục thể thao giúp ổn định tốt các đốt sống và đĩa đệm nhưng phải tuỳ theo sở thích và thể lực mà chọn tập những môn phù hợp. Tốt nhất nên có huấn luyện viên hướng dẫn nhằm tránh tập sai dẫn đến tác dụng ngược và ảnh hưởng xấu cột sống.

 

 

Theo TS.BS Huỳnh Lê Phương

SGTT