Có thể ăn uống đường hóa học?
Con trai tôi rất thích ăn chè, tuy nhiên cháu đã khá nặng ký. Có người khuyên tôi nên dùng đường hóa học saccharin thay thế đường ăn khi nấu chè vì ít tạo ra năng lượng và không gây hại đến sức khỏe. Điều này có đúng không? (Nguyễn Thị Bích Vân, Long An)
PGS .TS Đông Thị Anh Đào (bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM):
Các loại đường hóa học như aspartam, saccharin mà bạn đọc hỏi được xếp vào loại chất ngọt tổng hợp trong các loại phụ gia thực phẩm. Vì vậy khi sử dụng phải chú ý đến quy định liều lượng (ADI) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). ADI là qui định liều lượng có thể dùng được đối với 1kg cơ thể trong ngày.
Chẳng hạn của saccharin là 0-15, có nghĩa là có thể đưa vào cơ thể ở liều lượng 0-15 mg/kg trọng lượng cơ thể người/ngày. Nếu một người có trọng lượng cơ thể là 60kg thì lượng đường tối đa có thể ăn sẽ được tính bằng cách lấy 60kg x 15mg = 900mg/ngày. Để tránh gây hại đến sức khỏe, cách tốt nhất là dùng lượng đường hóa học chiếm khoảng 30% so với ADI, tức khoảng 300mg/ngày.
Tương tự đối với arpartam, ADI là 40, mức tốt nhất có thể dùng được trong ngày của người có trọng lượng 60kg là 800mg/ngày. Trong trường hợp người cần kiêng đường ăn, nếu dùng đường hóa học ít hơn 30% của liều lượng cho phép lớn nhất thì vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Trong hai loại đường hóa học nêu trên, saccharin có ADI thấp hơn aspartam rất nhiều, vì vậy có thể xem saccharin có mức độ độc hại cao hơn. WHO đã khuyến khích nên dùng đường hóa học aspartam hoặc acesulfam kali thay thế cho saccharin trong trường hợp kiêng ăn nhiều đường saccharose hay fructose, glucose. Khi mua đường hóa học, cần chú ý nhãn hiệu và hàm lượng chứa trong gói (hoặc viên) để có thể tính toán cho an toàn.
Theo Tuổi trẻ