1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cơ quan quản lý “thụ động” trong kiểm soát thực phẩm bẩn

(Dân trí) - Các labo kiểm nghiệm hiện đại chỉ tập trung phục vụ chất lượng hàng hóa xuất khẩu, thực phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước “được” buông lỏng quản lý. Sau hàng loạt vụ bê bối về chất lượng thực phẩm, đơn vị quản lý mới lục tục “ngâm cứu” phương án đối phó.

Thực phẩm bẩn đang là nỗi kinh hoàng của người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn đang là nỗi kinh hoàng của người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng

Chất lượng vệ sinh thực phẩm không đảm bảo đang là vấn đề gây bức xúc cho toàn xã hội nhiều năm qua. Năm 2008 người tiêu dùng rúng động trước vấn đề melamin trong sữa và sản phẩm từ sữa nhập khẩu từ Đài Loan. Kế đó, năm 2010 phẩm màu công nghiệp rhodamine B bị phát hiện sử dụng để nhuộm hạt dưa, ớt bột. Sang năm 2011 các mặt hàng nước uống, sirô, thạch rau câu lại chứa phẩm màu công nghiệp DEHP để làm chất tạo đục.

Bức tranh về chất lượng thực phẩm trong nước càng trở nên rối ren hơn khi các vụ nước tương có độc, gà vịt bị nhuộm bột sắt để có màu vàng óng bắt mắt, orange II nhuộm thịt quay và thịt xá xíu cho có màu đỏ cam tươi. Hóa chất tăng trọng bị cấm: clenbuterol và salbutamol, ractopamin , tạo thịt siêu nạc trong chăn nuôi gia súc gia cầm; chất tifluralin trong thủy sản  và ethoxyquin trong tôm do bị nhiễm từ  thức ăn…

Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2013 người tiêu dùng dồn dập “thất kinh” khi 100% mặt hàng thực phẩm làm từ gạo (bún, phở, bánh canh…) có chứa hóa chất tinopal dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, bột giặt; DEHA phát hiện trong màng bọc thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có thể phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết...

Tuy nhiên, những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi trên thực tế việc sử dụng hóa chất, phụ gia vô tội vạ đang trở thành trào lưu khá phổ biến trong trồng trọt chăn nuôi. Thống kê của ngành y tế cho thấy trong năm 2012, trên cả nước xảy ra 168 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.541 nạn nhân trong đó có 34 người tử vong. Theo phân tích của tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm Việt Nam đang tiêu tốn hơn 200 triệu USD để khắc phục hậu quả do thực phẩm bẩn gây ra.

Cơ quan quản lý bị động đối phó

Quản lý chất lượng thực phẩm chồng chéo đang tạo nhiều lỗ hổng cho tiêu cực

Quản lý chất lượng thực phẩm chồng chéo đang tạo nhiều lỗ hổng cho tiêu cực

Hiện nay, các vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm được 3 bộ chia nhau quản gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Y tế. Nhưng trên thực tế hầu hết các vụ bê bối về chất lượng thực phẩm bị phanh phui thời gian qua đều bắt nguồn từ các cơ quan truyền thông còn các cơ quan quản lý chỉ “xuất đầu lộ diện” để “lo hậu sự”. Cách quản lý và giải quyết vấn đề của các đơn vị liên quan khiến chính những người trong ngành không khỏi lo ngại.

Tại Hội thảo chuyên đề về Vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức diễn ra tại TPHCM ngày 7/8, GS.BS. Trần Đông A bức xúc: “Luật ra từ ngày 1/7/2011 mà một năm sau (11/6/2012) mới có Nghị định 38 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật, kế đến các Bộ lại ra thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Trong một năm như thế có bao nhiêu người chết vì ngộ độc, bao nhiêu người tích tụ độc chất nguy hại trong cơ thể chẳng ai quan tâm thống kê. Riêng tại TPHCM, kế hoạch xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đã đề ra nhưng đã 5-6 năm qua giờ tôi lại nghe đang chuẩn bị thực hiện”.

Thành phố nên đầu tư xây dựng một trung tâm kiểm nghiệm chuẩn độc lập (trị giá khoảng 42 tỷ đồng) không làm dịch vụ kiểm nghiệm, chỉ thực hiên các nhiệm vụ: Đào tạo nguồn nhân lực về kiểm nghiệm cho thành phố và khu vực; theo dõi tình hình buôn bán hóa chất trên địa bàn, đánh giá khả năng sử dụng chúng vào những mục tiêu nào; theo dõi chất lượng các mặt hàng hóa và thực phẩm lưu hành trên địa bàn và các tỉnh lân cận;… Đây là mô hình các nước phát triển đang áp dung rất hiệu quả.

GS. Trần Đông A phân tích thêm: “Toàn cầu hóa về kinh tế đi đôi với toàn cầu hóa về dịch bệnh. Thực tế khi cùng đoàn Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc hội đi kiểm tra khu vực cửa khẩu từ Lạng Sơn tới An Giang tôi thấy các sản phẩm nhập qua đường tiểu ngạch biên giới một cách vô tội vạ. Hỏi phương pháp kiểm tra của các đồng chí ở cửa khẩu, được trả lời: “Nhìn bên ngoài thấy tốt tốt, đẹp đẹp thì cho qua”.

Trong khi thực phẩm nước ngoài nhập về một cách vô tội vạ thì thực phẩm trong nước xuất khẩu lại bị đối tác siết chặt về chất lượng. GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch MTTQVN tại TPHCM kiêm Phó chủ tịch các Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật thành phố cho biết: “Trên địa bàn thành phố, nhiều labo nghiệm được trang bị khá hiện đại nhưng chỉ tập trung hoạt động phục vụ hàng hóa xuất khẩu, bị động với an toàn thực phẩm trong nước”.

Cũng theo GS Ngọc Sơn, việc chưa cập nhật những loại hóa chất, phụ gia đã bị các nước cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm khiến Việt Nam trở thành cái nôi tiêu thụ những mặt hàng độc hại một cách hợp pháp của nước ngoài. Việc kiểm nghiệm tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang chạy theo sau sản xuất khi sự việc trong thế đã rồi.
 

Để đảm bảo tốt hơn chất lượng an toàn thực phẩm, GS. Chu Phạm Ngọc Sơn kiến nghị TPHCM xem xét hai biện pháp, một là: Tập hợp các phòng kiểm nghiệm có kinh nghiệm, giao cho mỗi phòng, ngoài công việc hằng ngày, trách nhiệm theo dõi thường xuyên  một mặt hàng nhất định như sữa và sản phẩm từ sữa, thịt, trứng và sản phẩm chế biến, thủy sản và sản phẫm chế biến, rau củ quả, gạo và sản phẩm chế biến từ gạo, thức ăn chăn nuôi...

 

Hai là: Thành phố nên đầu tư xây dựng một trung tâm kiểm nghiệm chuẩn độc lập (trị giá khoảng 42 tỷ đồng) không làm dịch vụ kiểm nghiệm, chỉ thực hiên các nhiệm vụ: Đào tạo nguồn nhân lực về kiểm nghiệm cho thành phố và khu vực; theo dõi tình hình buôn bán hóa chất trên địa bàn, đánh giá khả năng sử dụng chúng vào những mục tiêu nào; theo dõi chất lượng các mặt hàng hóa và thực phẩm lưu hành trên địa bàn và các tỉnh lân cận;… Đây là mô hình các nước phát triển đang áp dung rất hiệu quả.

 
Vân Sơn