Có nên đưa trẻ xuất ngoại chữa tự kỷ?

Cho đến nay, các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây chứng tự kỷ, mặc dù tự kỷ được định nghĩa như sự rối loạn chức năng thần kinh. Có nhiều yếu tố góp phần vào chứng tự kỷ, trong đó có yếu tố di truyền và môi trường sống. Nếu nguyên nhân chưa được biết rõ, thì tự kỷ có thể được chữa khỏi?

Có nên đưa trẻ xuất ngoại chữa tự kỷ?

Một trẻ bị hội chứng tự kỷ ở trường Tổ Ấm Huynh Đệ – nơi nhận chăm sóc trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật ở Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Thanh Hảo

 

Theo chứng cớ khoa học, các phương pháp can thiệp nhằm cải thiện chất lượng sống của người mắc chứng tự kỷ, giúp người đó tự lập và giảm các khiếm khuyết xã hội, giao tiếp và hành vi. Tuy nhiên, hiện nay có một số tổ chức xem tự kỷ như một cách sống hơn là một chứng bệnh nên không cần tìm cách chữa lành, trong khi một số tổ chức khác đang nghiên cứu cách chữa lành chứng bệnh này. Tự kỷ có thể được trị liệu như thế nào?

 

Có hai hướng điều trị chính.

 

Can thiệp giáo dục có chứng cớ khoa học

 

Với các đặc tính sau: can thiệp sớm trước ba tuổi mà không chờ chẩn đoán chính xác; can thiệp tích cực, ít nhất 25 giờ/tuần, 12 tháng/năm; tỷ lệ học sinh/giáo viên thấp; sự tham gia của gia đình sau khi được đào tạo; tương tác với các trẻ bình thường; tổ chức phòng học để trẻ tập trung tốt; trẻ được đánh giá tuổi phát triển và có chương trình giáo dục cá nhân. Sự can thiệp này được tổ chức tại nhà, trường học, trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Những người thực hiện chương trình có thể là cha mẹ, giáo viên, chuyên viên âm ngữ, chuyên viên hoạt động trị liệu. Hiện nay phương pháp hữu hiệu có chứng cớ khoa học là phương pháp can thiệp dựa trên hành vi tích cực sớm (Early Intensive Behavioral Intervention-EIBI), hệ thống giao tiếp trao đổi hình ảnh (Picture Exchange Communication System-PECS), điều trị và giáo dục trẻ tự kỷ và khiếm khuyết giao tiếp (Treatment and education of autistic and related communication handicapped children-TEACCH). Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý không có phương pháp nào là tối ưu, nhưng kết quả can thiệp tuỳ thuộc nhiều yếu tố: tuổi của trẻ, mức độ phát triển, đặc tính của trẻ, thời gian can thiệp và năng lực của người can thiệp.

 

Các phương pháp trị liệu khác

 

Đây là những phương pháp chưa có chứng cớ khoa học, bao gồm:

 

Dùng thuốc: thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm có chỉ định trong trường hợp trẻ hung hăng, tự gây tổn thương. Tuy nhiên, các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ và chưa có loại thuốc nào giảm các triệu chứng khiếm khuyết then chốt về xã hội và giao tiếp.

 

Kiêng ăn gluten và casein: có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ do thiếu canxi và vitamin D.

 

Khử chất kim loại nặng: rất nguy hiểm và đã gây tử vong cho một trẻ tự kỷ vào năm 2005.

 

Ôxy cao áp nhằm tăng cường lượng ôxy trong cơ thể để giảm các triệu chứng tự kỷ: chưa đủ chứng cớ khoa học để chứng minh hiệu quả, mặc dù năm 2009 có một công trình nghiên cứu nhỏ cho thấy có cải thiện hành vi sau 40 giờ điều trị.

 

Châm cứu để cải thiện giao tiếp cho trẻ: chưa có chứng cớ khoa học nào về hiệu quả.

 

Tóm lại, trị liệu rối loạn tự kỷ là một vấn đề phức tạp với nhiều khuynh hướng khác nhau. Phụ huynh cần thật bình tĩnh, thận trọng, tham khảo kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ. Phương pháp phù hợp nhất là phương pháp không gây thêm đau khổ cho trẻ, dựa trên sở thích của trẻ và động viên trẻ hợp tác với phụ huynh và các chuyên viên để cải thiện đời sống tự lập của trẻ.

 

Theo BS Phạm Ngọc Thanh

Sài Gòn tiếp thị