Có hiện tượng "ăn theo" Covid-19 để trục lợi, quảng cáo quá đà TPCN
(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành công văn có nội dung 12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, cơ quan chức năng phát hiện có những sản phẩm "ăn theo", quảng bá kháng được Covid-19.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm lên tiếng cảnh báo 2 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Xuyên Tâm Liên giả mạo, với công dụng được ghi trên nhãn gồm: kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, với công dụng này, sản phẩm trên không khác gì thuốc điều trị.
Chưa kể, với căn bệnh đại dịch Covid-19, việc ghi công dụng kháng Covid-19, phòng chống Covid-19 là quá "nổ", khi mà cả thế giới đang chiến đấu với đại dịch này, thuốc điều trị Covid-19 vẫn đang được nghiên cứu; việc phòng Covid-19 vẫn đang được khuyến cáo tiêm vắc xin, thực hiện 5K.
Theo đó, ngay khi nhận được thông tin từ đường dây nóng của Cục An toàn thực phẩm về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid… cơ quan này đã tiến hành kiểm tra, cho thấy 2 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục.
Như vậy, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như trên là giả mạo.
Một chuyên gia cho rằng, rõ ràng có hiện tượng "ăn theo" Covid-19 để trục lợi, quảng cáo quá đà. Sản phẩm này được phát hiện trên thị trường ngay sau khi Bộ Y tế ban hành một công văn có nội dung 12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có một sản phẩm Xuyên Tâm Liên.
"Đến nay, chưa có bất kì loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19. Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng không được phép ghi công dụng "điều trị bệnh". Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh, quảng cáo như vậy là "nổ" về công dụng, lừa dối người tiêu dùng".
Ông Phong cho biết thêm, sau khi Cục An toàn thực phẩm cảnh báo 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 giả mạo, ngày 27/7/2021, Cục An toàn thực phẩm nhận được Văn bản (không số) phản hồi của Công ty Cổ phần Dược Phẩm Toàn Lộc (địa chỉ: số 252 C8-KĐT Đại Kim, P. Đại Kim, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) với nội dung: Công ty khẳng định không đăng ký sản phẩm Viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) dưới bất kỳ hình thức nào, không lưu hành, không sản xuất và không bán sản phẩm nói trên. Như vậy, về phía Công ty cũng đã khẳng định sản phẩm nêu trên là giả mạo.
Trước đó, tháng 9/2020, Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh Virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19.
Theo đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định, tất cả các sản phẩm từ dược liệu, y học cổ truyền nhưng đăng kí dưới hình thức TPCN, TPBVSK không được phép quảng cáo công dụng chữa bệnh, điều trị, gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.
Người dân khi mua các sản phẩm TPCN, TPBVSK phải hết sức chú ý, tuyệt đối không nghe theo những quảng cáo vượt công dụng của sản phẩm, không tin những sản phẩm quảng cáo đẩy lùi bệnh, điều trị khỏi bệnh... Khi có bệnh cần được đi khám để chẩn đoán, điều trị.
Liên quan đến các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ Covid-19, ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19.
12 sản phẩm này gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovi; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot; Xuyên tâm liên; Viên nang Nasagast - KG.
Dư luận băn khoăn, cho rằng trong danh mục này có nhiều sản phẩm thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không đúng tính năng và công dụng điều trị bệnh Covid-19. Nhiều người đặt câu hỏi, như với sản phẩm hoạt huyết dưỡng não có liên quan gì đến Covid-19?
Lý giải về việc đưa thuốc loại thuốc hoạt huyết Nhất Nhất (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay...) vào danh mục thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, trước đó, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói rằng: "Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng".
Ngay sau khi dư luận có những phản ứng về danh mục "lạ" này, ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký thông báo rút công văn 5944 (cũng do ông Sơn ký ngày 24/7) do "có một số nội dung không phù hợp".
Tuy nhiên, trước khi công văn được thu hồi, trên thị trường, một số sản phẩm thuộc danh mục "hỗ trợ phòng Covid-19" nêu trên có hiện tượng điều chỉnh tăng giá do người dân có xu hướng mua tích trữ. "Những thuốc quen tên như Xuyên tâm liên, hoạt huyết Nhất Nhất... mức mua phổ biến là 2-5 hộp, có người đến 10 hộp", một chủ hiệu thuốc cho biết.