1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cô giáo đốt cồn dạy kỹ năng thoát hiểm: Cả 3 trẻ đều bị bỏng rộng 50 - 60%

(Dân trí) - Hiện tại 3 trẻ tuổi mầm non bị bỏng nặng khi cô giáo đốt cồn dạy kĩ năng thoát hiểm đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bỏng Quốc gia). Cả ba trẻ đều bị bỏng rộng 50 - 60% diện tích cơ thể.

Khi được chuyển lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia, ba bệnh nhi gồm bé P.G.K (nam, SN 2015), N.N.H. L. (nữ, SN 2014). N.A. T. (nữ, SN 2016) đều trong tình trạng sốc bỏng nặng với diện tích bỏng lên đến 50 - 60% diện tích cơ thể.

Theo Bác sĩ Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, đánh giá bệnh nhân đang trong tình trạng sốc bỏng, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ chống sốc bằng truyền dịch, giảm đau, an thần, thở oxy hỗ trợ; đồng thời xử lý vết thương kỳ đầu, được theo dõi chặt tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Trước đó như Dân trí đưa tin, vào khoảng 15h40 ngày 9/8, tại lớp mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ) đã tổ chức cho khoảng 25 trẻ học về kỹ năng phòng chống cháy nổ.

Cô giáo đốt cồn dạy kỹ năng thoát hiểm: Cả 3 trẻ đều bị bỏng rộng 50 - 60%  - 1

Một trong số 3 bệnh nhi bị bỏng sau khi cô giáo đốt cồn dạy kĩ năng thoát hiểm khi cháy nổ.

Trong lúc học, các cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Không may, đúng lúc đó gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng.

Ngay sau khi được các cơ sơ cứu, 3 trẻ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cấp cứu, sau đó được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước một trường hợp bị bỏng, việc cần làm đầu tiên là cách ly bệnh nhân ra khỏi nguồn lửa. Nhanh chóng loại bỏ quần áo đang cháy ra khỏi cơ thể, nếu quần áo dính chặt vào vết bỏng không được dứt ra. Sau đó nhanh chóng ngâm hoặc cho nước chảy lên vết bỏng liên tục từ 15 - 20 phút. Lưu ý dùng nước máy, nước giếng, nước lọc thông thường, không sử dụng nước lạnh, nước đá trong tủ lạnh.

Trong tình huống không có nước sạch, có thể dùng nước sông hồ để hạ nhiệt vết bỏng.

Mục đích là để giảm đau, hạ nhiệt độ của tác nhân gây bỏng và chống rối loạn vi tuần toàn tại chỗ, giúp người bệnh đỡ rát nơi bỏng, vết bỏng đỡ sâu do nhiệt độ tác nhân gây bỏng nhanh chóng được hạ, làm mát. Sau đó, mới dùng băng sạch, băng ép nhẹ vết thương lại để không hình thành nốt phỏng bỏng rồi nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Hồng Hải