Cô gái vỡ òa chinh phục đỉnh núi 2.800m sau khi bị xe tông đứt niệu đạo

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau tai nạn kinh hoàng làm biến dạng xương chậu, đứt niệu đạo, cô gái điều trị khắp nơi nhưng đều thất bại. Nguy cơ phải đeo túi nước tiểu suốt đời khiến bệnh nhân bế tắc, thậm chí từng muốn chết.

Ngày 28/9, đại diện Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, nơi đây đã phẫu thuật tạo hình niệu đạo thành công cho một bệnh nhân bị chấn thương rất nặng, với hành trình điều trị vô cùng gian nan.

Sống cùng túi nước tiểu sau tai nạn kinh hoàng

Đó là trường hợp của bệnh nhân N.T.D. (31 tuổi, ngụ TPHCM). Tháng 7/2019, khi đang mở cửa ô tô để vào ghế lái, một chiếc xe gắn máy từ phía sau không làm chủ được tốc độ đã tông ép chị D. vào cửa xe ô tô. Cô gái ngất tại chỗ, chảy máu lượng lớn trước sự bàng hoàng của người bạn đi cùng.

D. được đưa tới bệnh viện gần nhất cấp cứu, hồi sức tích cực và mở bàng quang. Sau 2 tuần nằm viện, cô gái về nhà với túi nước tiểu bên mình, vùng chậu chằng chịt vết thương đau đớn.

Cô gái vỡ òa chinh phục đỉnh núi 2.800m sau khi bị xe tông đứt niệu đạo - 1

Một trường hợp phải đeo túi nước tiểu sau phẫu thuật (Ảnh minh họa: BV).

Nghĩ rằng chỉ trong thời gian ngắn có thể trở lại với công việc, tiếp tục các chuyến du lịch khám phá, ban đầu nữ phượt thủ vẫn rất lạc quan.

Tuy nhiên, hi vọng của D. cứ tắt dần theo thời gian, khi đến nhiều cơ sở y tế cầu cứu nhưng các bác sĩ đều lắc đầu,  vì tình trạng chấn thương quá phức tạp.

Thậm chí, có bác sĩ còn khẳng định, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân về sau sẽ thấp, nếu không được phẫu thuật tạo hình niệu đạo, cô có thể đeo túi dẫn lưu nước tiểu suốt đời. Sau nhiều tháng kể từ tai nạn, D. dần xuống tinh thần, kèm theo những cơn đau đớn nặng nề..

"Biến chứng và nỗi khó chịu của việc đeo túi thông tiểu làm em suy sụp. Nhiều lần ống thông bị nghẹt, bụng em căng tức như muốn vỡ ra, không thể nào ngủ được. Bế tắc đến nỗi, nhiều lúc em chỉ mong chết ngay đi", D. nghẹn ngào nhớ lại quá trình điều trị.

Trước tình cảnh trên, gia đình của bệnh nhân đã tính đến nhiều phương án, bao gồm cả việc đưa D. ra nước ngoài chạy chữa. Nhưng với hồ sơ bệnh án phức tạp, không một nơi nào khẳng định sẽ giúp cô gái có thể tự tiểu được.

Khi mọi thứ tưởng chừng bế tắc, D. được giới thiệu đến gặp Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Vinh, chuyên gia đầu ngành về Tiết niệu ở Bệnh viện Bình Dân. Xem xét kỹ hồ sơ, vị bác sĩ đồng ý điều trị cho chị D., nhưng giải thích rõ ràng về tiên lượng khó khăn và có thể phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần.

Cô gái vỡ òa chinh phục đỉnh núi 2.800m sau khi bị xe tông đứt niệu đạo - 2

Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Vinh, Bệnh viện Bình Dân chia sẻ về hành trình điều trị cho chị D. (Ảnh: BV).

"Người bệnh bị gãy xương chậu làm biến dạng xương chậu, chèn ép mạch máu, xương di lệch làm đứt niệu đạo, chít hẹp âm đạo. Bệnh nhân cũng đứt nhiều cơ thắt và dây thần kinh sàn chậu, vùng mặt trong đùi biến dạng với nhiều sẹo...

Ca phẫu thuật là một thách thức lớn vì ngay cả trên thế giới cũng không có nhiều báo cáo về các trường hợp phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho nữ", Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Vinh chia sẻ.

4 năm hồi sinh cuộc đời

Cuối năm 2019, bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình niệu đạo đợt 1. Ca mổ có sự phối hợp với chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình từ Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp lấy canxi xương và các mô xơ làm biến dạng âm đạo và di lệch niệu đạo, đồng thời bóc tách các vùng dính ở ruột.

Tiếp đến, bệnh nhân được tạo hình lại cổ bàng quang đã bị bít tắc, nối mỏm niệu đạo với cổ bàng quang mới tạo hình, đặt thông niệu đạo. Hậu phẫu 1 tuần và 2 tuần, người bệnh lần lượt được rút thông niệu đạo và thông bàng quang. Từ lúc này, D. chính thức thoát khỏi việc đeo túi nước tiểu.

Cô gái vỡ òa chinh phục đỉnh núi 2.800m sau khi bị xe tông đứt niệu đạo - 3

Bệnh nhân trong một lần phẫu thuật tạo hình niệu đạo (Ảnh: BV).

Giai đoạn tiếp theo, D. tiến hành tập cơ sàn chậu theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu. Nhờ kiên trì luyện tập, tình trạng són tiểu hậu phẫu của cô gái cải thiện hơn.

Sáu tháng sau, người bệnh tiếp tục bước vào ca phẫu thuật để loại bỏ các mô sẹo co rút và các canxi xương để giải phóng âm đạo. Cô cũng tiếp tục thực hiện một số phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục ngoài.

Hơn 3 tháng sau đợt phẫu thuật cuối, cô gái quyết định đi bộ leo núi (trekking) lên đỉnh Tà Xùa ở vùng Tây Bắc, điều vốn là thách thức ngay cả với một người có sức khỏe bình thường. Với từng bước đi kiên cường, chị D. đã chinh phục đỉnh núi 2.800m.

Cô gái vỡ òa chinh phục đỉnh núi 2.800m sau khi bị xe tông đứt niệu đạo - 4

Cô gái dừng chân trên chặng đường chinh phục đỉnh núi cao 2.800m (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Khi đứng trên đỉnh núi, em mừng đến vỡ òa. Có thể tự do đi lại mà không vướng víu dây, ống và túi nước tiểu là điều hạnh phúc vô biên đối với em", chị D. chia sẻ.

Cô gái vỡ òa chinh phục đỉnh núi 2.800m sau khi bị xe tông đứt niệu đạo - 5

4 năm sau tai nạn kinh hoàng, bệnh nhân đã từng bước trở lại cuộc sống nhờ nghị lực điều trị kiên cường (Ảnh minh họa: BV).

Niềm vui tiếp tục đến với D. khi sau đó, cô có duyên gặp gỡ người bạn đời hiện tại của mình, sau một năm quen biết. Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình và niềm vui của rất nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Bình Dân, những người cô xem như người trong gia đình.

Hiện tại, vợ chồng D. đang chờ đón đứa con đầu tiên. Do di chứng của tai nạn, mặc dù mang thai tự nhiên nhưng D. cũng gặp một số khó khăn, như dễ bị nhiễm trùng tiểu, tình trạng són tiểu nặng hơn.

Nhưng sau tất cả, những điều đó chỉ là một thử thách nữa trong hành trình cuộc sống mà D. sẵn sàng vượt qua, để nắm giữ hạnh phúc của mình.