Cô gái sụt hơn 10kg, ngỡ ung thư vì tiêm corticoid chữa vảy nến

(Dân trí) - Phát hiện mắc vảy nến từ năm 13 tuổi, cô gái trẻ luôn mặc cảm vì những vảy mủ, đỏ trên da mặt. Vì thế, có lần cô đã lén mẹ đi tiêm corticoid vì nghe quảng cáo “3 mũi khỏi ngay”. Khi tiêm đến mũi thứ 3, cô liên tục bị rong kinh kéo dài, sụt hơn 10kg đến mức cả nhà nghĩ đến nguy cơ ung thư.

Có mặt tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Chủ động quản lý toàn diện bệnh vảy nến” diễn ra ngày 29/10 tại BV Da liễu Trung ương, cô gái sinh năm 1981 có gương mặt nhẵn nhụi, trắng trẻo, không ai nghĩ cô bị vảy nến.

Nhưng thực tế, Hà Thu Trang (Phúc Khánh, Ba Đình) đã sống chung với bệnh vảy nến 24 năm. Do có mẹ cũng bị vảy nến, nên năm lên 13 tuổi, khi thấy cơ thể bỗng dưng xuất hiện các vảy đỏ, bong mủ, chị biết ngay mình mắc bệnh giống mẹ.

Nhiều người bệnh chung sống hòa bình với bệnh vảy nến vài chục năm do quản lý điều trị tốt.
Nhiều người bệnh chung sống hòa bình với bệnh vảy nến vài chục năm do quản lý điều trị tốt.

Nhưng khác với mẹ kiểm soát rất ổn định vì dùng thuốc đều đặn, cô gái trẻ thấy tự ti, mặc cảm khi xuất hiện các vẩy đỏ, thậm chí mưng mủ trên khuôn mặt nên quay cuồng tìm mọi cách để chữa.

Trầm trọng nhất là cô đã nghe mọi người mách, đi tiêm corticoid với mục đích khỏi nhanh. Đến mũi tiêm thứ 3, cô bị rong kinh kéo dài hơn 1 tháng, cân nặng sụt chỉ còn 30kg khiến cả nhà hoảng sợ nghĩ con mình bị ung thư.

“Sau đợt đó, mình đã tìm được phương pháp điều trị ổn định tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Đợt chiếu đèn mới nhất của mình cách đây đã 3 năm, sau 25 buổi chiếu đèn giờ tình trạng mình ổn định”, Trang chia sẻ.

Một bệnh nhân khác, anh Vũ Chí C. (ở Bạch Mai, Hà Nội) đã được các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc điều trị và kê thuốc uống, thuốc bôi. Sau đó anh được điều trị bằng chiếu tia UVB dải hẹp, bệnh đã ổn định hơn.

Tuy nhiên, vì nóng lòng muốn chữa khỏi triệt để như quảng cáo nên anh đã bỏ tây y điều trị thuốc nam không rõ nguồn gốc. Sau một thời gian uống, bệnh vảy nến của anh càng nặng nề hơn, bùng phát thành bệnh vảy nến thể mủ toàn thân với những tổn thương da hết sức nghiêm trọng khiến anh phải nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh C. còn bị suy thận nặng do một thời gian dài dùng các thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Không thể khỏi hoàn toàn như lời quảng cáo!

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cảnh báo, rất nhiều trường hợp bệnh nhân sai lầm khi quay cuồng tìm các phương pháp với mục đích chữa dứt điểm vẩy nến. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân quay lại viện do bị biến chứng gây đỏ da toàn thân, da nổi mụn mủ, khớp dính lại. Với những trường hợp bệnh nặng, vảy nến có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Một số bị nhiễm độc thuốc dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

"Tuy nhiên, cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn", PGS Doanh cảnh báo.

Bệnh nhân vảy nến được bác sĩ tư vấn điều trị.
Bệnh nhân vảy nến được bác sĩ tư vấn điều trị.

Vảy nến là bệnh lành tính, ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý, thẩm mỹ người bệnh. Bởi khi mắc bệnh, trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt đỏ, sau đó bong vẩy. Những tổn thương với nhiều nốt bong tróc toàn thân trên da khiến người bệnh rất mặc cảm bởi người ngoài nhìn thấy là sợ.

Nhưng vảy nến là bệnh không lây nhưng cũng là bệnh lý mãn tính không thể khỏi dứt điểm. Tuy nhiên có nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, gia truyền quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn là không chính xác Hiện có nhiều phương pháp điều trị vẩy nến nhưng hiện vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn. “Khỏi” ở đây thực ra là bệnh giảm thiểu trong một thời gian rồi lại bị, còn không thể khỏi hẳn được. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ và bệnh nhân lại cần điều trị lại.

Thêm một yếu tố dẫn đến bệnh dễ tái phát, đó chính là tình trạng stress, lo lắng, buồn bã của người bệnh.Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và cả đau đớn tại các tổn thương trên da (do nứt và chảy máu) nên họ thường xấu hổ, mặc cảm, lo lắng, buồn phiền, thậm chí là chán nản, buông xuôi, thất vọng...

Một “bài thuốc” tinh thần rất quan trọng với bệnh nhân vẩy nến là hãy chấp nhận, sống hòa bình với nó bởi stress làm bệnh trầm trọng hơn, nhanh tái phát hơn.

Về điều trị bệnh vảy nến, một trong những phương pháp được ưu tiên hiện nay hiện đang được áp dụng tại BV Da liễu Trung ương đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Theo PGS. Doanh, đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt (khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt; một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân).

Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài (so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng). Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng điều trị.

Theo PGS. Doanh, bệnh vảy nến là bệnh không lây, bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến da làm cho đỏ da, bong vảy, da xấu xí khiến người xung quanh có sự kỳ thị, thậm chí bản thân người bệnh cũng mặc cảm. Bệnh lại rất dễ tái phát, bệnh nhân hay ngại ngùng, giấu bệnh, tâm lý căng thẳng, lo âu.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm