Có dấu hiệu này, ung thư bàng quang đã ở giai đoạn muộn
(Dân trí) - Triệu chứng ung thư bàng quang khó nhận biết, nên phần lớn bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, cảnh báo bệnh đã di căn xa, đừng trì hoãn đến viện.
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…), gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Đây là một trong 10 loại ung thư gặp phổ biến ở nam giới, chỉ đứng sau ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng.
Năm 2020 Việt Nam ghi nhận hơn 1700 ca mắc mới và gần 1000 trường hợp tử vong vì ung thư bàng quang.
Ung thư bàng quang thường có tiên lượng tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tổn thương nông tại bàng quang. Triệu chứng đái máu toàn bãi (từ đầu đến cuối bãi đi tiểu), có thể kèm theo máu cục, nhưng lại không đau buốt có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh ở giai đoạn sớm. Đôi khi khối u trong bàng quang lại được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe.
Còn khi bệnh ở giai đoạn muộn hơn, triệu chứng sẽ rõ ràng hơn. Lúc này, người bệnh có thể bị đái máu thường xuyên, đái khó do khối u to chèn ép, người gầy sút cân, nổi hạch bẹn 2 bên…
Ở giai đoạn muộn của ung thư bàng quang, tế bào ung thư đã di căn xa, sẽ xuất hiện các biểu hiện sau:
Đau hông lưng
Đau trên xương mu
Đau hạ vị
Đau tầng sinh môn
Đau xương
Đau đầu
Do vậy chuyên gia khuyến cáo, nếu có hiện tượng đái máu cần phải đi khám ngay để chẩn đoán loại trừ các bệnh lý đường tiết niệu, như u thận, u bể thận, u niệu quản, u bàng quang, viêm bàng quang, hay bị sỏi tiết niệu…
Tuy nhiên, để phát hiện sớm nhất căn bệnh này, việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng. Siêu âm là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả phát hiện các tổn thương ở bàng quang.
Dựa trên kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác nếu có nghi ngờ.