Có bao nhiêu “độc tố” trong một cốc chè nhiều màu?

Thời tiết nắng nóng, trên thị trường bày bán nhiều loại chè với những tên gọi khác nhau và có hình thức rất bắt mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng với các loại chè chứa nhiều màu sắc vì có nguy cơ “rước” độc tố vào người.

Các chuyên gia khuyến cáo, chè càng nhiều màu thì càng độc, người tiêu dùng cần lưu ý trước khi sử dụng. Ảnh: P.V
Các chuyên gia khuyến cáo, chè càng nhiều màu thì càng độc, người tiêu dùng cần lưu ý trước khi sử dụng. Ảnh: P.V

Càng nhiều màu, càng độc

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, tại một số chợ đầu mối lớn trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những cửa hàng chuyên cung cấp các loại bột hóa học để tạo màu cho thực phẩm, trong đó có các loại bột dùng để “nhuộm” nguyên liệu nấu chè. Ngay khu bày bán hàng khô tại tầng 1 trong chợ Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội), các gói bột màu xanh, đỏ, tím, vàng… được giới thiệu là “hóa thân” của nhiều loại hương liệu được bày bán khá phổ biến. Giá của các loại nguyên liệu tổng hợp này khá rẻ, dao động trong khoảng từ 15.000 - 35.000 đồng/kg bột và 45.000 - 50.000 đồng/lọ nước màu pha sẵn.

Theo lời giới thiệu của một chủ cửa hàng tại đây, các loại bột màu này vừa rẻ, vừa đảm bảo màu sắc và hương vị giống tự nhiên, hoặc có khi còn… thơm hơn cả nguyên liệu thật (?!), thường được nhiều người bán chè mua về để làm thạch nhiều màu hay trộn vào cùng với các nguyên liệu nấu chè để tăng màu và mùi thơm. Còn vấn đề, liệu các loại bột này có độc hại gì với sức khỏe người dùng hay không? Người chủ cửa hàng cũng không lý giải được.

Trao đổi với PV về việc sử dụng các bột màu hóa học trong chế biến thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm – ĐH Bách Khoa Hà Nội) khẳng định: “Bất cứ loại thức ăn nào, càng dùng nhiều hóa chất tạo màu thì càng độc hại. Trong đó, tùy vào việc sử dụng liều lượng bao nhiêu và dùng trong bao lâu mới có thể đánh giá chính xác được mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích: Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, nếu dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay, vì giá thành các loại phẩm màu và hương liệu nguồn gốc tự nhiên khá cao nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận trong buôn bán kinh doanh dẫn đến việc lạm dụng quá mức các hóa chất tạo màu và tạo mùi hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm. Điều này sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe con người. Độc tính có thể nhẹ như nôn ói, đau bụng, nhức đầu, hay có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Còn theo TS.BS Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), hiện nay, có rất nhiều công nghệ làm thạch - một đồ ăn không thể thiếu trong mỗi cốc chè. Nếu thạch được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, như rau xanh hoặc nước ép các loại trái cây thì sẽ rất an toàn và bổ dưỡng, giúp cung cấp chất xơ cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thạch bị trộn lẫn với phẩm màu hóa học, ví dụ Sodium Cyclamate - là hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng vào sản phẩm thực phẩm, hoặc những chất gây màu, gây mùi không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm thì sẽ gây hại cho người sử dụng.

Nên sử dụng các nguyên liệu tự nhiên

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, công nghệ tạo màu và mùi của các nguyên liệu tổng hợp hiện rất “tinh vi”, do vậy, bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt đâu là màu tự nhiên, đâu là màu nhân tạo trong chế biến chè cũng như nhiều thực phẩm khác.

“Ví dụ, với một cốc chè bảy màu, mà cả bảy màu đó đều sử dụng phẩm màu hóa học thì đồng nghĩa với việc chúng ta “rước” cùng lúc bảy chất hóa học vào cơ thể. Đó là chưa kể đến việc sử dụng thêm các chất bảo quản hoặc phụ gia khác (tạo độ sánh, đường hóa học…). Vì vậy, tốt nhất nên hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều màu khi chưa biết chính xác nguồn gốc và mức độ độc hại của chúng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Để đảm bảo cho sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn, tốt nhất không nên sử dụng các hóa chất tạo màu, tạo mùi trong chế biến thực phẩm. Khi chế biến thức ăn tại gia đình, nên sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Trong trường hợp “bắt buộc” phải sử dụng màu tổng hợp thì phải tìm hiểu kỹ loại phẩm màu đó có được phép sử dụng trong chế biến hay không và dùng bao nhiêu thì không gây hại. Hơn nữa, tránh mua các hương liệu tạo màu và tạo mùi bán trôi nổi trên thị trường, phải tìm hiểu kỹ thành phần, nguồn gốc và hạn dùng để tránh gây hại cho cơ thể.

Các chuyên gia tư vấn, khi ăn chè tại các cửa hàng bên ngoài, cần để ý đến màu sắc và mùi vị của loại chè đó. Các loại màu hóa học thường đậm và bền màu hơn các hương liệu tự nhiên. Hơn nữa, nếu ngửi thấy cốc chè có mùi quá thơm cũng cần phải lưu ý, vì mùi tự nhiên sẽ thơm nhẹ, thoang thoảng chứ không “nồng nặc” như một số hóa chất tạo hương thơm. Ngoài ra, độ ngọt của cốc chè cũng “tố cáo” việc cửa hàng đó có sử dụng đường hóa học hay không. Đường tự nhiên có vị ngọt thanh, còn đường hóa học ngọt đậm, đôi khi ăn xong có cảm giác ngọt sắc ở cổ họng. Người dùng cần để ý các dấu hiệu trên để tránh ăn phải chè “tẩm độc”, gây nguy hại đến sức khỏe.

Khó kiểm soát các loại chất phụ gia thực phẩm

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Minh Khoán, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: Hiện nay, Đội đang tăng cường kiểm tra và xử lý các đơn vị vi phạm liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Riêng việc rà soát và xử lý các loại chất phụ gia, bột màu hóa học còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn kinh doanh, buôn bán các loại hóa chất tổng hợp này không tập trung ở một số trọng điểm, mà hầu như rải rác tại nhiều khu vực, từ các chợ đầu mối lớn đến các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Mặc dù đã kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở vi phạm, nhưng do nhu cầu sử dụng các hóa chất tạo màu và mùi vị vẫn còn lớn, đặc biệt là các cửa hàng chế biến thực phẩm, khiến việc kiểm soát “đầu vào” cũng như “đầu ra” của các loại hóa chất trên càng trở nên khó khăn hơn.

Theo Mai Thùy

Báo Gia đình & Xã hội