1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khánh Hòa:

Điều trị cho bệnh nhân tâm thần là một nghệ thuật!

(Dân trí) - Trong 30 năm làm nghề, Thạc sỹ, bác sỹ Đinh Thị Hoan không quên lần bị xì lốp xe do không cho bệnh nhân ra viện. Biết là vậy nhưng BS Hoan chẳng thể bắt đền bệnh nhân.

Nữ bác sỹ chuyên khoa tâm thần Đinh Thị Hoan bên vườn rau liệu pháp chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần - Ảnh: Viết Hảo
Nữ bác sỹ chuyên khoa tâm thần Đinh Thị Hoan bên "vườn rau liệu pháp" chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần - Ảnh: Viết Hảo

Bác sỹ Hoan, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa, quê ở Thanh Oai (Hà Nội), tốt nghiệp chuyên ngành nội - nhi, Đại học Y Thái Bình, vào năm 1986. Sau ngày tốt nghiệp, với bao nhiệt huyết, nữ bác sỹ trẻ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Bình (thuộc tỉnh Hà Sơn Bình cũ, nay là tỉnh Hòa Bình), cách nhà hơn 70km. Do bệnh viện chưa có bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sỹ Hoan được đi học thêm về chuyên khoa sơ bộ tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Năm 1990, nữ bác sỹ vào Nha Trang và lần lượt công tác tại Trạm chống bệnh tâm thần tỉnh Khánh Hòa; Khoa tâm thần - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trước khi về công tác tại Bệnh viện chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa khi bệnh viện này thành lập vào năm 2000.

Đến nay, nữ bác sỹ quê ở Hà Nội đã có hơn 30 năm chữa bệnh cho người tâm thần. “Tôi chưa bao giờ ân hận về việc chọn chuyên khoa tâm thần. Tôi tự hào khi mình còn chữa bệnh cho bệnh nhân là người thân của các bác sỹ đồng nghiệp không may bị tâm thần phân liệt”, bác sỹ Hoan chia sẻ với PV Dân trí.

Nữ bác sỹ có thâm niên chữa bệnh cho người tâm thần kể, khác với bác sỹ ở các bệnh viện đa khoa, công việc chính và quan trọng nhất của một bác sỹ chuyên khoa tâm thần để khám và chẩn đoán là “hỏi bệnh”. Điều này không có gì khác nhằm thu thập thông tin về người bệnh, bao gồm chủ quan từ bệnh nhân và khách quan từ người thân là cha mẹ, bạn bè, anh em, hàng xóm…

“Tôi chưa bao giờ ân hận về việc chọn chuyên khoa tâm thần, nữ bác sỹ có hơn 30 năm điều trị cho người tâm thần nói - Ảnh: Viết Hảo
“Tôi chưa bao giờ ân hận về việc chọn chuyên khoa tâm thần", nữ bác sỹ có hơn 30 năm điều trị cho người tâm thần nói - Ảnh: Viết Hảo

Theo bác sỹ Hoan, điều trị cho bệnh nhân tâm thần là một nghệ thuật. “Các ống nghe, máy đo huyết áp, búa phản xạ… chỉ dùng để phát hiện bệnh lý đi kèm. Không có một máy móc, phương tiện nào để phụ giúp trong việc phát hiện bệnh lý tâm thần bởi các xét nghiệm có thể cho kết quả bình thường”, nữ bác sỹ chia sẻ sự khác biệt về nghề nghiệp của mình.

Theo nữ bác sỹ, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tâm thần thì liệu pháp tâm lý trực tiếp thể hiện qua ngôn ngữ nói và các ngôn ngữ cơ thể khác điều ảnh hưởng tới kết quả điều trị. “Nếu mà xa lánh, coi thường bệnh nhân thì làm sao họ có thể kể chuyện cho mình nghe. Nếu ai thực hiện liệu pháp tâm lý không thành công thì sẽ làm chậm kết quả điều trị”.

Luôn đối mặt với các tình huống bị tấn công

Làm bác sỹ chữa bệnh cho người tâm thần luôn đối mặt các tình huống bị bệnh nhân tấn công. Trong ký ức của mình, bác sỹ Hoan vẫn chưa thể quên câu chuyện về một nam bệnh nhân quê ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Anh này đang điều trị ở bệnh viện thì lên cơn kích động, ném gạch đá vào hàng loạt cửa kính. Sự việc khiến các nhân viên trẻ sợ hãi, bỏ chạy tán loạn.

“Nghe báo tin, tôi chạy xuống thì nam bệnh nhân trong cơn kích động vẫn rất hung hãn. Tôi gọi đúng tên bệnh nhân và thuyết phục anh ta “hãy bỏ gạch đá xuống!”. Anh ta nghe lời tôi, bỏ gạch đá xuống và tiến về phía tôi. Khi cách tôi chừng 5m, anh ta bất ngờ cúi xuống lấy dép ném vào tôi”, nữ bác sỹ kể. Theo bác sỹ Hoan, những trường hợp bệnh nhân nổi cơn kích động xảy ra rất đột ngột, không lý do, có tính chất phá hoại. Do đó, nếu không tiên lượng được sự việc để có phương án xử lý thì sẽ rất bị động và nguy hiểm.

Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo
Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo

Không ít lần, nữ bác sỹ tâm thần không có xe để về nhà vì bị bệnh nhân đập phá, xì lốp xe trong đêm.

“Tôi vừa buồn, vừa bực và đi hỏi bệnh nhân nào đã làm việc đó. Nhóm nam bệnh nhân đã chỉ ra người xì lốp xe và anh ta khai rằng là để trả thù chỉ vì không được cho ra viện. Nhưng không có lý do gì để bắt đền bệnh nhân vì đó là hành vi của bệnh”, BS Hoan kể.

Chia tay tôi, bác sỹ Hoan tâm sự rằng, những bệnh nhân tâm thần khi đã thuyên giảm, có trạng thái ổn định thì họ rất gần gũi, mộc mạc. “Mỗi ngày, họ hỏi tôi có khỏe không? Hay thấy tôi mặc một bộ đồ đẹp là họ khen ngay. Có những lúc, họ chờ tôi đi làm như con chờ mẹ về. Đó là điều mà tôi cảm thấy rất hạnh phúc, giúp nâng bước chân tôi trong hơn 30 năm qua”.

Hơn 30 năm công tác, bác sỹ Hoan đã được nhận tổng cộng 16 Bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa; của Tổng LĐLĐ Việt Nam… Được biết, vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, bác sỹ Hoan sẽ nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” do Chủ tịch nước trao tặng.

Viết Hảo