1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An:

Chuyện về những bác sĩ bắt tử thi “lên tiếng”

(Dân trí) - Rất thầm lặng những các bác sĩ pháp y đã bắt các tử thi “lên tiếng”, vạch trần bộ mặt của những kẻ giết người ma mãnh. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm con người và trên tất cả là tình yêu nghề vì không có nó, sẽ không làm nổi.

Nghề ít người “mê”

Nói nghề y là nghề vất vả, cực khổ và rất áp lực sẽ chẳng ai phủ nhận. Nhưng với những bác sĩ làm công tác pháp y thì bên cạnh lương tâm nghề nghiệp còn là trách nhiệm xã hội trong việc phá án, truy tìm hung thủ của những vụ án giết người. Nghề pháp y, nôm na là nghề mổ xác chết để tìm những manh mối tội ác còn lưu lại trên cơ thể nạn nhân, tìm hiểu nguyên nhân gây ra cái chết để phục vụ công tác điều tra.

Trung tá Hòa (người đứng) trao đổi kết quả giám định cùng với các đồng đội
Trung tá Hòa (người đứng) trao đổi kết quả giám định cùng với các đồng đội

Nói về nghề, trung tá Nguyễn Đăng Hòa - Đội trưởng Đội pháp y, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An tâm sự: “Nghề pháp y áp lực lắm, nếu không có lòng yêu nghề, biết vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân thì không làm được đâu. Lần đầu tiên cầm dao mổ tử thi thực sự là ám ảnh, đến nỗi cầm bát cơm lên vẫn thấy gợn gợn trong lòng không nuốt nổi”. Gần 20 năm trong nghề, trải qua những buồn vui, hỉ nộ ái ố của nghề, trung tá Hòa và những đồng đội của mình vẫn lặng lẽ với công việc của một giám định viên truy tìm dấu vết của tội ác.

Theo học ngành y, ai cũng mong muốn sẽ chữa bệnh cứu người. Bởi vậy, nói nghề pháp y là “duyên phận” như Trung tá Hòa sẽ không ngoa. Và để đi trọn với nghề, những bác sĩ mang quân hàm cũng phải trải qua không ít “cửa ải”. Đó là nỗi sợ hãi của bản thân, áp lực nghề nghiệp và sự phản đối của người thân. “Ngày xưa đi lấy vợ cũng vất vả lắm. Nghe nói mình làm nghề pháp y, đằng ngoại phản đối vì sợ. Cũng phải thuyết phục mãi mới được đấy”, trung tá Nguyễn Đăng Hòa cười.

Với công việc khám nghiệm tử thi, các anh phải tiếp xúc với rất nhiều độc hại khi tử thi đã phân hủy lâu ngày, bốc mùi hôi thối. Đặc thù nghề nghiệp nên gần như họ không có thời gian, địa điểm làm việc cố định. Nửa đêm, rét cắt da, cắt thịt, nghe báo án và cần sự có mặt của pháp y là họ lại bật dậy, lên đường. Chỗ làm việc của họ có khi là một bãi đất trống, che chắn sơ sài bằng những mảnh bạt, giữa mùi tử khí bốc lên ngùn ngụt của những thi thể bị đang bị phân hủy mạnh.

Mà đâu phải hiện trường nào cũng thuận lợi cho việc khám nghiệm. Có những vụ án mạng xảy ra ở trong rừng, phải đi bộ xuyên rừng cả chục cây số, rồi cả những ngày làm việc giữa ngày hè nắng như đổ lửa, tử thi bốc mùi khiến công việc càng thêm trở ngại. Nếu thuận lợi, qua khám nghiệm đại thể ở hiện trường đã có thể tìm ra manh mối để phục vụ công tác điều tra, phá án. Với những vụ án phức tạp, kẻ sát nhân quá ma mãnh khi để lại quá ít dấu vết hoặc dấu vết đã bị mờ trong quá trình tử thi bị phân hủy thì công việc của bác sỹ pháp y vất vả thêm bội phần.

“Nghề này đòi hỏi phải tỷ mỉ, thận trọng, chính xác, khách quan và toàn diện. Vất vả, cực khổ, độc hại, áp lực nữa nên nghề bác sỹ pháp y ít người “mê” lắm”, bác sỹ pháp y Nguyễn Đăng Hòa nói.

Bắt xác chết “lên tiếng”

Thông qua việc giám định, khám nghiệm tử, các giám định viên của Đôi Pháp y đã tìm ra nhiều dấu vết, giúp cơ quan điều tra làm rõ nhiều vụ án mạng, truy tìm hung thủ. Các đối tượng sau khi giết người tìm cách thủ tiêu, dựng hiện trường giả nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Giám định pháp y là khâu cực kỳ quan trọng trọng, là cơ sở pháp lý phục vụ điều tra, truy tố và xét xử.

Đầu năm 2014, cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An nhận được phản ánh về cái chết bất thường của Nguyễn Đức Giang (trú tại xã Bài Sơn, Đô Lương, Nghệ An). Xâu chuỗi các tình tiết, thấy cái chết của anh Giang có nhiều điểm bất thường, cơ quan điều tra đã quyết định khai quân tử thi để phục vụ điều tra. Đội pháp y được lệnh vào cuộc.

Lúc này, anh Giang đã được mai táng hơn 1 tháng, thi thể đang ở giai đoạn phân hủy mạnh, do vậy công tác giám định gặp nhiều khó khăn. Qua khám nghiệm, phát hiện anh Nguyễn Đức Giang chết là choáng do mất máu vì vết thương thủng bó mạch mạc đại tràng và ruột non. Từ kết luận của pháp y, cơ quan điều tra nhận định đây là một vụ án mạng.

Qua đấu tranh khai thác, kẻ thủ ác chính là ông Nguyễn Đức Ngọc, bố của Giang. Trước đó, do mâu thuẫn, giữa ông Nguyễn Đức Ngọc và Nguyễn Đức Giang xảy ra xô xát, đánh nhau. Trong quá trình xô xát, Giang đã bị con dao trong tay ông Ngọc đâm trúng bụng và tử vong trên đường cấp cứu. Không muốn dính líu đến pháp luật, gia đình đã đưa thi thể Giang về mai táng mà không trình báo với cơ quan chức năng.

Nguyễn Văn Thi - kẻ giết bà Nguyễn Thị Huy đã phải trả giá bằng mức án tù chung thân.
Nguyễn Văn Thi - kẻ giết bà Nguyễn Thị Huy đã phải trả giá bằng mức án tù chung thân.

Ngày 5/7/2013, quần chúng nhân dân phát hiện bà Nguyễn Thị Huy (1956, trú tại xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An) tử vong tại nhà riêng. Lúc này thi thể nạn nhân đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, mùi tử khi bốc lên nồng nặc, các giám định viện Đội pháp y vẫn cần mẫn làm việc, không bỏ qua bất cứ một chi tiết nhỏ nào.

Dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân cho thấy bà Thi tử vong do bị vật tày tác động vào đầu gây tổn thương sọ não dẫn tới tử vong. Cùng với đó là chiếc hoa tai vàng của nạn nhân cũng “không cánh mà bay”. Từ kết luận của pháp y, cơ quan điều tra nhận định đây là một vụ án cướp của, giết người. Các đối tượng trong diện nghi vấn được khoanh vùng. Và kẻ thủ ác cuối cùng cũng đã lộ diện. Đó chính là Nguyễn Văn Thi - người cháu gọi nạn nhân bằng dì ruột.

Bằng sự cống hiến thầm lặng của mình, những bác sĩ pháp y đã bắt các tử thi “lên tiếng”, vạch trần bộ mặt của những kẻ giết người ma mãnh. Họ vẫn âm thầm với công việc “nói chuyện với xác chết” vì trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm con người và trách nhiệm với xã hội.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm