1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyện những bệnh nhân sống nhờ máu người khác

(Dân trí) - Từ những người bệnh mệt mỏi, nguy kịch tính mạng vì thiếu máu, họ đã thực sự được “lột xác” khi có máu để truyền. Chỉ ở cảnh của những người bệnh này mới thấu hiểu máu quý như thế nào trong cuộc sống của họ…

Sự sống hồi sinh
 
Bé Huy khỏe khoắn hơn sau khi được truyền tiểu cầu.
Bé Huy khỏe khoắn hơn sau khi được truyền tiểu cầu.
 
Tại phòng bệnh, cậu bé Huy (2 tuổi, Bắc Giang) bị bệnh máu ác tính nhanh nhẹn chạy theo quả bóng nhựa, chơi bóng liên tục mà không thấy mệt mỏi. “Khác hoàn toàn với lúc con bị thiếu tiểu cầu, phải đợi truyền. Khi đó, bé mệt mỏi không muốn ăn, nằm bẹp một chỗ, khóc cũng chỉ như con mèo con, ư ử kêu, không thể khóc to được. Dù mỏi quá, đặt con xuống giường, con cũng chỉ nhăn nhó, rên chứ cũng chẳng buồn nhấc hai tay lên đòi bố mẹ bế”, anh Giáp Văn V, bố bé Huy cho biết.

Vào ngày 3/3/2013, Lễ hội Xuân hồng lần VI/2013 sẽ được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Đây là một sự kiện hiến máu lớn nhất trong năm hy vọng sẽ tiếp thêm nhiều niềm tin, hy vọng sống cho nhiều người bệnh đang cần máu trong dịp xuân này. Cùng “Sẻ giọt máu đào – Trao niềm hy vọng" với những người bệnh không may mắn để mùa xuân mới thắm tươi, an lành.

Nhìn con chơi đùa sau khi được truyền tiểu cầu, khỏe mạnh trở lại, anh V. nhiều lúc vẫn ngỡ ngàng, không tin con mình bị bệnh. “Cháu vốn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm, bố mẹ đi làm từ sáng đến tối mới về. Gửi con ở nhà cho bà nội trông nom, chưa biết bệnh tật là gì nhưng đùng cái khi cháu được 22 tháng tuổi, bỗng một tuần liền bé không chịu ăn thịt nữa (món ăn bé thích). Lúc đầu cả nhà tưởng con đủ chất rồi nên chán không ăn nhưng rồi thấy bụng con ngày càng to ra, người cứ mệt dần, đưa vào bệnh viện tỉnh thì bác sỹ yêu cầu chuyển ra Viện Nhi ngay vì nghi ngờ cháu bị bệnh nặng....và rối cháu được xác định bị bệnh máu ác tính và được chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu TW, cũng đúng là dịp Tết Nguyên đán vừa rồi.

Anh V tâm sự, khi đó, cả nhà anh chẳng còn ai nghĩ đến Tết nữa mà chỉ lo cho con. Nhưng ở viện điều trị đúng dịp Tết, anh lại thêm nỗi lo mới khi các bác sĩ thông báo, dịp Tết nguồn máu rất hiếm, trong khi bệnh nhi truyền hóa chất tiểu cầu thường xuống rất thấp, cả nhà phải chuẩn bị tinh thần hiến máu để tách tiểu cầu cho con.

“Và quả thực đã xảy ra tình huống đó, tiểu cầu con thấp, đe dọa chảy máu trong bất cứ lúc nào. Máu tôi hiến thì không đạt tiêu chuẩn… hai vợ chồng ôm con sống trong phập phồng, lo âu trong suốt mấy ngày Tết. Nhất là vợ, cứ ôm con là hai hàng nước mắt tuôn dài, lo lắng nguy cơ xấu xảy ra cho con. Rồi may mắn cũng đến, hôm mùng 5 Tết con được truyền máu. Như có phép màu vậy. Được truyền xong chừng 30 phút con đã tự đứng dậy, rồi còn đòi ăn… Cả nhà lại thêm hi vọng, bởi sau Tết, quá trình điều trị của con sẽ thuận lợi hơn, do có nhiều người đi hiến máu tính nguyện giúp các bệnh nhân”.

Và đến hôm nay, sau hơn 10 ngày được truyền tiểu cầu, bé còn sốt nhẹ nhưng đã rất hoạt bát, khỏe khoắn, thích chơi đùa. Những bước chân nhanh nhẹn, hoạt bát của cậu bé khiến người bố vui hơn, anh cũng không giấu nổi hy vọng về một ngày tốt lành sẽ đến: “Mong con sớm được về nhà, được vui chơi cùng các bạn”.

Mong lắm những xuân hồng gieo ước vọng

Cũng như bé Huy, bệnh nhân Trần Thị X. (Yên Bái) và Ngô Thị H. (Hải Phòng) là hai phụ nữ trung niên, người phải ở lại đón Tết tại bệnh viện, người thì vào Viện đúng những ngày Tết. Họ vẫn nhớ như in cái cảm giác người mệt nhọc, lạnh toát, bước đi run rảy, không thể lết khỏi giường, mọi sinh hoạt phải nhờ tới người thân. Họ cùng chung nỗi niềm của những người bệnh máu ác tính. Những ngày Tết vừa qua, là những ngày buồn nhất trong lòng những người phụ nữ ngoài 50 này, nỗi mỏi mòn chờ máu với họ là nỗi chờ đợi thật khủng khiếp, sự lo sợ và thất vọng vì bệnh tật luôn thường trực.
 
Bà Ngô Thị H đã có thêm sức sống khi được truyền máu.
Bà Ngô Thị H đã có thêm sức sống khi được truyền máu.

Hôm nay, họ đã khỏe mạnh hơn. Bà X. ngồi trên giường để cậu con trai phục vụ xuất ăn, anh động viên mẹ ăn cố. Bà đã không ăn được gì trong những ngày bệnh tật hành hạ, “ăn được như thế này là sướng nhất” (cười). Bà H. cũng vừa ăn xong bữa tối, trò chuyện với chúng tôi, bà nói: “Cô mệt từ trước Tết nhưng cứ cố níu cho qua cái Tết rồi đi viện, nhưng đến mùng 7 thì không cố được nữa, lên nhập Viện. May mắn được truyền 2 túi tiểu cầu nên bây giờ cháu thấy đấy, cô khỏe như bình thường rồi”. Và nhớ lại cảm giác dòng máu truyền vào cơ thể “nó từ từ, man mát, rồi khắp cơ thể nóng bừng lên, chân tay ấm áp trở lại. Cảm giác của sự sống đang trở lại…”.

Hy vọng đã đến với bé Huy, với bà X., bà H trong mùa xuân này. Nhưng giá như bé Huy được chơi bóng tại một sân chơi nào đó cùng bạn bè hay bà X, bà H. được trở về sum vầy cùng gia đình, người thân, được làm những việc họ vẫn làm thường ngày thì tốt biết bao. Bởi họ vẫn mong lắm nhiều giọt máu hồng để có thêm sức khỏe, thêm niềm tin. Anh V. đã chia sẻ với chúng tôi, “chúng tôi mong chờ máu từ Lễ hội Xuân hồng sắp tới, vì không chỉ cho con mình mà còn cho rất nhiều con, cháu khác cũng đang rất cần truyền máu”.

Bài và ảnh: Hải Hảo