1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia y học cổ truyền "bác" quan niệm kiêng cữ sai lầm sau sinh

(Dân trí) - Dưới đây là những quan niệm kiêng cữ dân gian rất phổ biến trong đời thường mà y học hiện đại ngày nay cho rằng không còn phù hợp:

Giữ ấm bằng than nóng

Quan niệm dân gian cho rằng, người mẹ sau sinh trong tháng đầu cần kiêng cử nhiều thứ để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và bé. Điển hình là việc nằm than, hơ nóng cơ thể mẹ và bé giúp giữ ấm, tránh phát sinh bệnh sau này.

Phân tích chuyên môn của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng: Trong tháng đầu sau sinh, người mẹ cần giữ ấm tuyệt đối bởi khi vượt cạn, sản phụ mất rất nhiều máu, hao tổn năng lượng và chất dinh dưỡng làm sức đề kháng của cơ thể giảm sút, dễ bị cảm nhiễm từ những yếu tố bên ngoài.

Bác sĩ tư vấn cho sản phụ chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau sinh
Bác sĩ tư vấn cho sản phụ chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau sinh

Tuy nhiên, quan niệm nằm than nóng không nên áp dụng bởi việc nằm than trên thực tế đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ bỏng đau lòng đã xảy ra khi lửa than quá lớn nhưng sản phụ hoặc người thân không chủ động kiểm soát đã gây cháy, bỏng cho cả mẹ và bé. Nguy hiểm hơn, không ít vụ nằm than sau sinh hoặc dùng lửa than để sưởi ấm vào mùa đông đã khiến nhiều người tử vong bởi than đốt sản sinh ra khí CO2, khi phòng không thoáng khí, không thông gió sẽ gây độc.

PGS Bay cho rằng, còn rất nhiều cách để giữ ấm sản phụ có thể thực hiện rất an toàn nhưng hiệu quả cho cả mẹ và bé như: mặc ấm, uống nước ấm, chườm ấm bụng sau khi ăn xong, nằm trong không gian thoáng đãng, mát mẻ nhưng không nên để gió lùa, hoặc để quạt và máy lạnh quá lạnh. Nhiệt độ phòng nên ở mức như thời tiết bình thường, hoặc sử dụng máy lạnh nhưng điều chỉnh ở nhiệt độ từ 280C đến 290C.

Không tắm gội 1 tháng

PGS Bay cho rằng, quan niệm người mẹ không nên gội đầu trong vòng 1 tháng ở cữ để tránh đau nhức đầu và rụng róc về sau là không hoàn toàn đúng. Sau sinh, sản phụ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, gội đầu thường xuyên để tránh mồ hôi bết tóc, gây nấm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và nhiều phiền toái khác.

Tuy nhiên, bà khuyến cáo khi gội đầu sản phụ nên dùng nước ấm, pha thêm chút rượu sẽ làm hơi nước bốc nhanh hoặc dùng máy sấy để làm khô tóc, tránh để tóc ướt trong thời gian dài. Sau khi tắm, sản phụ có thể thoa thêm rượu gừng hoặc dầu tràm giúp cho cơ săn chắc và làm ấm cơ thể.

Cấm xem, nghe, nhìn, nói

Đến nay, dù chưa có nghiên cứu về việc sản phụ xem ti vi, đọc sách báo, nói lớn hoặc nghe âm thanh lớn trong tháng đầu sau sinh có gây mỏi mắt, ảnh hưởng đến thính lực và nhanh lão hóa về sau hay không. Nhưng dưới góc nhìn của y học hiện đại, PGS Bay cho rằng, người mẹ sau sinh có rất nhiều việc phải làm như canh giờ cho con bú, lo ăn uống, sinh hoạt của bản thân và vệ sinh cho em bé...

Vì vậy, thay vì đọc sách báo hoặc xem ti vi quá nhiều, người mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức, đồng thời cũng tránh cho mắt phải tập trung, điều tiết quá nhiều có thể gây mỏi mắt, nhức mắt.

Ngoài ra, sản phụ sau sinh vẫn có thể giao tiếp, nghe bình thường nhưng không nên nói lớn tiếng hoặc nghe âm thanh lớn ảnh hưởng thanh quản, hầu họng gây tổn thương dây thanh âm hoặc thính lực.

Nằm than có thể gây bỏng do cháy hoặc ngộ độc khí CO2 (ảnh minh họa: internet)
Nằm than có thể gây bỏng do cháy hoặc ngộ độc khí CO2 (ảnh minh họa: internet)

Kiêng chua, tanh

Liên quan đến quan niệm kiêng cử ăn uống sau sinh, PGS Bay cho rằng, quá trình sinh nở khiến người mẹ mất nhiều máu, hao tổn sức khỏe, mặt khác sau sinh người mẹ phải đảm bảo nguồn sữa để nuôi dưỡng trẻ. Vì vậy, sản phụ cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý với các món ăn đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể cả mẹ và bé.

Một số quan điểm dân gian cho rằng người mẹ cần kiêng cữ tránh đồ chua, đồ ăn “tanh” từ tôm, cua, cá vì sợ sau này bị trung tiện nhiều, em bé bị tiêu chảy là không đúng hoàn toàn.

Thực tế, đồ ăn chua sẽ bổ sung vitamin C ở mức độ vừa phải là tốt, sản phụ chỉ nên tránh thức ăn quá chua, quá mặn hay có tính hàn như ốc, cải chua vì thức ăn này có thể gây ra tiêu chảy và phản ứng sản hậu.

Bó bụng

Nhiều phụ nữ hy vọng nhanh chóng lấy lại vòng eo săn chắc sau sinh nên sử dụng phương pháp bó bụng hoặc ăn kiêng quá mức để giảm cân nhanh.

Ngoài nguy cơ thiếu chất cho cả mẹ và bé từ ăn uống kiêng cử quá mức, PGS Bay khuyến cáo việc bó bụng quá sớm, quá chặt ngay sau sinh có thể gây chèn ép mạch máu nuôi các cơ quan vùng bụng, gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình lành sẹo tự nhiên đối với người sinh mổ.

Người mẹ hãy ăn uống điều độ, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, tập thể dục nhẹ nhàng khi các vết may đã lành là chìa khóa tốt nhất giúp các mẹ lấy lại vóc dáng sau sinh.

Vân Sơn