Chuyên gia lý giải ca nặng ở Hà Nội được kiểm soát, dù cả nghìn F0 mỗi ngày

Tú Anh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc chuẩn bị hệ thống y tế cơ sở, y tế gia đình, điều trị F0 nhẹ, không có triệu chứng tại nhà giúp các F0 nặng được tập trung toàn lực điều trị tại Bệnh viện.

50% bệnh nhân nặng chưa tiêm vaccine

Ngày 18/12, tại Hội thảo "Tác động của đại dịch Covid-19 với cán bộ và nhân viên y tế", PGS.TS Bùi Hoàng Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Hà Nội đánh giá, thời gian gần đây, dịch Covid-19 tại Hà Nội đang tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch ở Hà Nội khác với TPHCM, Bình Dương... trước đó, là tỷ lệ người dân đã được tiêm phủ vacccine lớn.

Chuyên gia lý giải ca nặng ở Hà Nội được kiểm soát, dù cả nghìn F0 mỗi ngày - 1

Tại Hà Nội, gia tăng số F0 nhập viện điều trị (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhẹ là khác nhau.

"Có đến hơn 50% bệnh nhân nặng là chưa tiêm vaccine, phần còn lại tiêm một mũi, có mắc bệnh nền. Theo thông tin dịch ở TPHCM và phía Nam cho thấy, những trường hợp đã tiêm đủ vaccine, diễn biến nặng rất ít, cho thấy chiến lược tiêm vaccine là đúng đắn", PGS Hải thông tin.

F0 triệu chứng nhẹ nên điều trị ở nhà

Bên cạnh đó, PGS Hải cho rằng chiến lược quản lý F0 đúng đắn sẽ giảm tình trạng quá tải. "Nếu bắt hết F0 vào viện, dù chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ, chỉ sốt cũng vào viện sẽ làm bệnh viện quá tải. Nhân viên y tế phải trải rộng chăm sóc cả người nhẹ ít triệu chứng, sẽ không thể tập trung toàn lực cho F0 nặng. Vì thế, F0 nhẹ, có triệu chứng nhẹ nên được điều trị ở nhà, có quản lý, hỗ trợ từ xa, từ y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, được theo dõi thường xuyên, chỉ khi diễn biến nặng mới nên vào viện. Hầu hết F0 những ngày đầu chưa có triệu chứng nặng", PGS Hải nói.

Chuyên gia lý giải ca nặng ở Hà Nội được kiểm soát, dù cả nghìn F0 mỗi ngày - 2

PGS.TS Bùi Hoàng Hải cho biết, 50% bệnh nhân nặng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vaccine.

Theo chuyên gia này, Hà Nội nên cố gắng, mạnh dạn, chuẩn bị y tế lưu động để cho F0, F1 ở nhà.

"Đây là cơ hội chúng ta cải thiện hệ thống y tế cơ sở, y tế gia đình. Chỉ ai diễn biến nặng, khó thở, bệnh nền không ổn định thì vào viện. Khi kiểm soát được số lượng như vậy bệnh viện thời gian chăm sóc cho họ", chuyên gia này đánh giá.

Theo các chuyên gia, dự báo Hà Nội sẽ duy trì ở mức cả 1.000, hơn 1.000 F0 mỗi ngày.

Trong ngày 17/12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.440 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 557 ca tại cộng đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 24.272 ca bệnh, trong đó 9.354 ca cộng đồng và 14.918 ca đã được cách ly.

Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 19.715 ca mắc, trong đó 7.822 ca trong cộng đồng, 9.302 ca tại khu cách ly, 3.041 ca tại khu phong tỏa.

Về công tác điều trị, kể từ năm 2020 đến nay, đã có 23.944 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 13.843 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện tại có 11.719 ca bệnh đang được điều trị, trong đó 8.944 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 2.775 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị 82 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 175 ca; 29 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 2.015 ca; các cơ sở thu dung điều trị là 2939 ca; trạm y tế lưu động có 3733 ca. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 159 ca, tổng số bệnh nhân chuyển viện là 1.363 người.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số các F0 đang theo dõi và điều trị tại Hà Nội, có 1.278 ca tình trạng bệnh ở mức độ trung bình, 164 ca ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số 164 ca bệnh này có 145 trường hợp phải thở oxy Mask, gọng kính, 2 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 2 trường hợp thở máy không xâm lấn, 15 trường hợp phải thở máy xâm lấn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm