Chuyên gia lên tiếng trước thông tin “điều trị ung thư bệnh nhân nhanh chết hơn”
(Dân trí) - Những thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền, “Phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong” khiến nhiều người đang mang trong mình căn bệnh này hoang mang.
Hóa chất “giết” bệnh nhân trước khi tiêu diệt được tế bào ung thư?
Trước những thông tin trên mạng cho rằng các hóa chất tại Việt Nam dành điều trị ung thư là lạc hậu, chưa kịp tiêu diệt tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương đã lên tiếng khẳng định, phác đồ điều trị ung thư tại Việt Nam đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân.
Theo PGS Thuấn, điều trị ung thư có nhiều phương pháp khác nhau, có những loại bệnh ung thư phải kết hợp 2 – 3 phương pháp điều trị. Riêng hóa chất hay một số thuốc khác bên cạnh diệt tế bào ung thư cũng ảnh hưởng đến mô lành, đặc biệt các cơ quan tổ chức có phân chia nhanh như tủy xương, đường tiêu hoá. Vì thế, việc điều trị hóa chất hay nội khoa cũng là một nghệ thuật đòi hỏi người bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng để chỉ định được liều tối ưu cho người bệnh, cho phép diệt tối đa tế bào ung thư, đồng thời là liều cho phép tế bào lành phục hồi trở lại.
“Vì thế khi hóa trị có tác dụng phụ rõ là rụng tóc, buồn nôn. Nhưng các triệu chứng này đều được kiểm soát bằng các thuốc hỗ trợ, chống nôn, tăng bạch cầu… để dùng được thuốc hóa chất hiệu quả, an toàn nhất thiết phải do bác sĩ được điều trị bài bản về chuyên ngành ung thư, được điều trị tiếp về nội khoa ung thư”, PGS Thuấn nói.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng Bộ môn Ung thư (Trường Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa ngoại A (BV K) dẫn chứng: “Trước đây bệnh nhân ung thư không kéo dài được 5 năm, nay tỉ lệ sống sau 5 năm rất cao, cho thấy các phương pháp đã mang lại hiệu quả. Ngay với giai đoạn muộn nếu không điều trị chỉ kéo dài sự sống được thêm khoảng 3 tháng, nay có điều trị thời gian sống tăng gấp đôi”.
Các chuyên gia khẳng định, việc nói phác đồ hóa chất lạc hậu, lỗi thời là không có cơ sở khoa học. Các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, Hội Ung thư châu Âu khẳng định hóa trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư. Bên cạnh có thể điều trị khỏi một số ung thư, hóa trị có thể ngăn chặn được tiến triển của ung thư, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư.
“Hiện tại ở Việt Nam, các thuốc, trang thiết bị trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư trên thế giới có cái gì, chúng ta có cái đó. Như máy xạ trị tại viện K thuộc loại tối tân nhất trên thế giới. Các thuốc kháng thể đơn dòng, kháng sinh bạch… ở Pháp, Mỹ, Sinh có thì Việt Nam cũng có nên không thể nói là lạc hậu”, PGS Thuấn nói.
Chữa tốt hơn không chữa!
Trước thông tin cho rằng, với bệnh nhân ung thư khi “điều trị vào bệnh nhân chết nhanh hơn”, PGS Thuấn cho biết, khi điều trị hóa chất do những tác dụng phụ khiến người bệnh mệt mỏi, nhưng không còn phương pháp nào khác bởi tế bào ác tính lan tràn toàn bộ cơ thể.
PGS Thuấn khẳng định thêm: “Với bệnh ung thư thời gian sống kéo dài khi chữa trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: loại bệnh, giai đoạn bệnh, thể trạng cơ thể và chữa luôn tốt hơn không chữa”.
Theo đó, càng phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm tỉ lệ chữa khỏi càng cao. Tại BV K, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng tăng lên, nhiều loại ung thư tỉ lệ chữa khỏi ngang các nước như với ung thư vú, tỉ lệ chữa khỏi chung là từ 70 – 75% (tương đương ở Singapore); ung thư vú giai đoạn sớm tại chỗ, tỉ lệ chữa khỏi 95%; Bệnh ở giai đoạn 2 tỷ lệ khỏi là 75%, giai đoạn 3 tỉ lệ khỏi giảm xuống còn 65%, giai đoạn cuối tỉ lệ chữa khỏi do K vú dưới 5%. Với các bệnh khác cũng vậy, càng sớm, chữa càng cao.
Ông dẫn chứng về trường hợp một bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ di căn lên não. Qua điều trị bằng thuốc dù đã ở giai đoạn bị di căn nhưng bệnh nhân sống đến nay là trên 7 năm và hiện vẫn đang được theo dõi tại BV K. Nhưng cùng là ung thư phổi, ở thể khác nhiều trường hợp điều trị chỉ hơn 1 năm. Kết quả điều trị phụ thuộc nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, loại bệnh, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Hay như ung thư vú nghe đơn giản, nhưng có nhiều loại khác nhau và để điều trị ung bướu không phải trường hợp nào cũng giống nhau ngay cùng một tên bệnh.
Cùng quan điểm này, TS Bùi Vinh Quang, Trưởng khoa Xạ 5 (BV K) cho rằng tiên lượng ung thư phụ thuộc nhiều yếu tố, một số loại ung thư có tiên lượng xấu như ung thư tụy. Với ung thư tụy ở Nhật dù có nhiều phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa chất nhưng thời gian sống thêm trung bình chỉ 9 tháng.
Hay ung thư phổi ở Mỹ thời gian sống thêm trung bình 5 năm chỉ từ 15 – 20%, dù Mỹ có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị.
Hồng Hải