1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần phải làm gì để phòng chống dịch bệnh mùa Thu – Đông?

(Dân trí) - Làm thế nào để chủ động đối phó với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mùa thu đông? Diễn biến bệnh tay chân miệng, sởi có gì bất thường? Các bệnh nào có thể tiêm vắc xin phòng ngừa?... Hàng loạt câu hỏi của bạn đọc đã được khách mời của báo Dân trí giải đáp ở buổi giao lưu trực tuyến vào sáng nay (28/9).

9h30 ngày 28/9, Báo Dân trí phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Giao lưu trực tuyến “Chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm dễ mắc mùa thu đông” vào lúc 9h30 ngày 28/9 với sự tham gia của hai khách mời gồm:

- Ths.BS Phạm Hùng – Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

- Ths.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Hàng loạt các câu hỏi liên quan đến phòng chống dịch bệnh mùa Thu - Đông của bạn đọc gửi về báo Dân trí đã được các vị khách mời giải đáp một cách thấu đáo.

Thạch Lê - Nam 35 tuổi

Mùa thu - đông ở miền Bắc thường xảy ra rất nhiều dịch bệnh, từ viêm đường hô hấp đến tay chân miệng, sởi, viêm phổi, tiêu chảy... Tình trạng này là do đâu? Có biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm này?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp:

Mùa Thu Đông ở miền Bắc khí hậu thường lạnh và sang đến cuối Đông đầu Xuân sẽ ẩm, trong điều kiện như thế đường hô hấp sẽ bị suy yếu, dễ bị các bệnh lây nhiễm đường hô hấp.

Chính thời tiết ẩm sẽ khiến vi rút trong các giọt tiết hô hấp sống lâu hơn vì vậy sẽ dễ lây lan bệnh lây truyền đường hô hấp hơn.

Để phòng ngừa, cần có các biện pháp cách ly, người ốm nên đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi thì nên che miệng và hạn chế đến nơi đông người. Với người khỏe thì cần giữ ấm mũi họng, hạn chế tiếp xúc gần với những người có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp.

Thực hiện tiêm phòng với các bệnh dịch có vắc xin.


Nhà báo Phạm Huy Hoàn- Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tặng hoa hai bác sĩ tham gia giao lưu sáng 28/9.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn- Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tặng hoa hai bác sĩ tham gia giao lưu sáng 28/9.

Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Thu – Đông

Trần Thúy Hạnh - Nữ 30 tuổi

Bố tôi năm nào cũng bị cúm, nhưng cụ có tiền xử dị ứng nên tôi không dám cho cụ đi tiêm phòng cúm. Vậy xin hỏi bác sĩ các biện pháp phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.

Cần phải làm gì để phòng chống dịch bệnh mùa Thu – Đông? - 2

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp:

Bệnh nhân có tiền sử dị ứng vẫn nên đến các địa chỉ tiêm phòng để được các bác sĩ đánh giá tình trạng dị ứng và xem xét việc tiêm vắc xin có an toàn không.

Nếu không tiêm được thì các bác sĩ sẽ giới thiệu đến chuyên khoa hô hấp để được tư vấn các biện pháp phòng ngừa phù hợp với cơ địa của từng người bệnh.

Nguyễn Văn Linh - Nam 46 tuổi

Tại nhiều nước dịch sởi đang gia tăng, ngay Hàn Quốc nghi nhận bệnh nhân Mers – CoV, cúm gia cầm H7N9 thì xảy ra tại Trung Quốc. Việt Nam có những biện pháp gì để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam?

Ths.BS Phạm Hùng:

Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch thường xuyên lưu hành ở Việt Nam, thường gia tăng số mắc vào mùa Đông – Xuân (điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi lưu hành và gây bệnh). Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là nơi tập trung đông người như ở trường học, thường bùng phát ở những địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp. Ngành Y tế vẫn tiếp tục tăng cường, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi để phòng bệnh cho trẻ, tăng tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ trong cộng đồng.

Cần phải làm gì để phòng chống dịch bệnh mùa Thu – Đông? - 3

Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang xảy ra ở các quốc gia trên thế giới như Mers – CoV, cúm gia cầm H7N9,… ngành y tế thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng qua tổ chức WHO, USCDC, đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống với dịch bệnh. Tăng cường các hoạt động giám sát sức khỏe người nhập cảnh từ vùng dịch về Việt Nam, giám sát phát hiện các trường hợp bệnh xâm nhập để kiểm soát kịp thời không để dịch bệnh bùng phát.

Bảo Hải - Nữ 27 tuổi

Kính gửi BS Hùng, xin bác sĩ cho tôi hỏi vì sao tại TP Hồ Chí Minh năm nào tình trạng tay chân miệng cũng dồn dập, nhiều hơn tại khu vực miền Bắc? Đặc biệt thể bệnh do EV71 vì sao lại gây bệnh cảnh nặng nề hơn các chủng vi rút khác. Các phòng chống lây truyền bệnh tay chân miệng như thế nào?

Ths.BS Phạm Hùng:

Vi rút gây bệnh chân tay miệng lưu hành rộng rãi ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Bệnh thường lây lan mạnh vào thời gian tháng 9-10 hàng năm khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút tồn tại và phát triển, những nơi tập trung đông dân cư như TPHCM, mùa tựu trường học sinh tập trung tiếp xúc trực tiếp và môi trường vệ sinh không đảm bảo nên làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

*Để phòng bệnh thì thường xuyên bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, thường xuyên thực hiện rửa tay trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là sau khi thay tả vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi. Trẻ mắc bệnh thì không đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Thường xuyên vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi, sàn nhà và các dụng cụ sinh hoạt khác của trẻ.

TOÀN BỘ CUỘC GIAO LƯU CÓ THỂ THEO DÕI TẠI ĐÂY

*******************

Như chúng ta đã biết, nhiều loại bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, như sự gia tăng bất thường của dịch sởi tại các nước châu Âu, Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm Mers – CoV đầu tiên. Trong nước, thời tiết vào mùa thu - đông đã tạo điều kiện cho dịch bệnh gia tăng đe dọa bùng phát. Các dịch bệnh dễ ghi nhận trong thời điểm này như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Cần phải làm gì để phòng chống dịch bệnh mùa Thu – Đông? - 4

Như tại miền Bắc, theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay tiếp nhận 500 ca mắc sởi và hầu hết số mắc là trẻ chưa được tiêm chủng. Ngoài ra, các ca tay chân miệng cũng nghi nhận rải rác.

Còn tại miền Nam cũng ghi nhận sự gia tăng bất thường của các ca mắc sởi – căn bệnh vốn gặp phổ biến ở miền Bắc. Trong 2 tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9/2018 Bệnh viện Nhi đồng 2 xét nghiệm 25 bệnh nhi cho thấy có 15 bé dương tính với bệnh sởi. Trong nhóm bệnh nhi trên, có 1 trẻ ngụ tại TPHCM số còn lại rải rác ở các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam. Trong khi đó, tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận 3 trường hợp được chuyển đến từ các tỉnh lân cận.

Đáng nói, bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh, nguy cơ đại dịch tay chân miệng bùng phát như thời điểm năm 2011 đang đe dọa cộng đồng.

Như tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, có ngày cao điểm có đến hơn 200 bệnh nhi tay chân miệng điều trị. Trong đó, hơn 50% các xét nghiệm cho thấy trẻ bị nhiễm chủng vi rút EV71. Đây là chủng gây bệnh tay chân miệng có độc tính cao, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, cả nước có hơn 30.000 ca bệnh tay chân miệng ghi nhận tại cả 63 tỉnh thành đều có ca mắc. Trong số đó có đến hơn nửa bệnh nhân (16.900 ca) mắc tay chân miệng phải nhập viện. Cùng với tay chân miệng, sốt xuất huyết ghi nhận 42.600 ca mắc, 9 ca tử vong.

Ngoài ra cũng phải kể đến các bệnh cúm mùa như A/H1N1; H3N2 cùng các loại cúm xảy ra trên gia cầm như H5N1 cũng có nguy cơ xảy ra trong mùa thu – đông. Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu người Việt mắc các bệnh cúm mùa thông thường.

Trước nguy cơ dịch bệnh mùa thu – đông, Bộ Y tế đã triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng chống dịch, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch.

MỜI BẠN XEM TOÀN BỘ BUỔI GIAO LƯU TẠI ĐÂY

Báo Dân trí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm