1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia chỉ cách đối phó căn bệnh tấn công trẻ trong mùa đông, sốt cao vật vã 39 - 40 độ

(Dân trí) - 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi nhập viện vì cúm mùa tăng vọt. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.

Bỗng dưng sốt cao vật vã, bệnh nhi được chẩn đoán cúm A

Đến ngày 6/12, bệnh nhi M.K ( 6 tuổi, Hà Nội) đã nằm điều trị hơn 1 tuần vì cúm.

Trước đó, ngày 26/11 K. vẫn khoẻ mạnh, đi học bình thường. Tuy nhiên, sau giờ học buổi sáng, cậu bé sốt cao 39 - 40 độ, vật vã không thể hạ được sốt.

"Tôi làm đủ kiểu, cho con uống thuốc hạ sốt, thậm chí thời gian uống chỉ cách nhau 4 tiếng, rời chườm ấm nhưng con vẫn đáp ứng hạ sốt rất kém. Chỉ dịu dịu đi một chút là lại bùng lên sốt lại. Sau một ngày sốt cao vật vã khó hạ, cả nhà đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám", mẹ bệnh nhi cho biết.

Chuyên gia chỉ cách đối phó căn bệnh tấn công trẻ trong mùa đông, sốt cao vật vã 39 - 40 độ - 1

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được chỉ định nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản.  Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với virus cúm A.

Cùng phòng điều trị với bé K. là bé A.D ( 4 tháng tuổi, Bắc Ninh). Bệnh nhi được đưa đến viện sau 2 ngày sốt  cao 40 độ. Mẹ bé chia sẻ, khi cho cháu uống hạ sốt thì cắt được cơn sốt nhưng cháu lại chuyển sang ho, khò khè, khó thở. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán cháu viêm đường hô hấp dưới.  Kết quả xét nghiệm cũng kết luận cháu nhiễm cúm A.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho.

Trong thời tiết như hiện nay tạo điều kiện cho các virus, trong đó có virus cúm sinh sôi, phát triển và gây bệnh. Hai tuần trở lại đây, mỗi tuần trung tâm tiếp nhận từ 100 - 130 trẻ đến khám vì cúm mùa.

Dễ diễn biến nặng

Các ca nhiễm cúm hiện nay chủ yếu là cúm A và cúm B. Đặc thù của virus cúm là rất dễ lây, lây qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, với người khoẻ mạnh sau 2 - 7 ngày nhiễm cúm, bệnh diễn biến nhẹ và tự hồi phục.

Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Các bệnh nhi nhập viện phần lớn với biểu hiện ban đầu sốt cao 39 - 40 độ nên rất khó đáp ứng hạ sốt, có bệnh nhi viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp dưới.

Hạ sốt như thế nào?

Theo bác sĩ, với việc hạ sốt cho trẻ khi sốt cao trong mùa đông đáp ứng thường chậm hơn do bố mẹ sợ con lạnh nên vẫn mặc rất ấm cho trẻ. Vì thế, dù uống thuốc hạ sốt, nhưng ủ quá ấm hiệu quả hạ sốt cũng giảm đi.

Lúc này, cần cho trẻ ở trong phòng kín gió, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái (một bộ đồ ở nhà, vải cotton thấm hút mồ hôi), đi tất mỏng (không mặc quá ấm).

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của Bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5o

Sau khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nên cho trẻ uống thêm nhiều nước oresol, nước lọc ấm, nước ép trái cây... để hỗ trợ hạ sốt tốt hơn.

Bên cạnh đó hãy chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn với nhiệt độ nước từ 37 - 40 độ. Những vùng da này nhiều nếp gấp, khi lỗ chân lông mở nhờ chườm ấm, nhiệt thoát ra ngoài sẽ hỗ trợ hạ sốt.

Vệ sinh đường hô hấp

Bệnh nhi mắc cúm cần được vệ sinh đường hô hấp hàng ngày. Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Cần lưu ý thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Người lớn sau khi vệ sinh đường hô hấp cho trẻ cũng cần rửa tay xà phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong thời gian nhiễm cúm, cần cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước; tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

TS Lâm nhấn mạnh, cúm là một bệnh rất dễ lây, nên tốt nhất cách ly trẻ với trẻ lành; hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Người lớn nên mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.

Để phòng cúm mùa, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng cúm. Ngoài ra cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng ăn uống đủ dinh dưỡng, vận động hợp lý; vệ sinh nhà cửa; ở nơi thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng...

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm