Chuyên gia cảnh báo những rủi ro có thể mắc phải khi làm đẹp

(Dân trí) - Liên tiếp hai trường hợp tử vong tại TP Hồ Chí Minh sau khi căng da mặt, nâng ngực, chuyên gia cảnh báo thủ thuật làm đẹp nào cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhất định. Vậy làm sao để ngăn chặn thấp nhất nguy cơ rủi ro này?

Tại sự kiện tư vấn làm đẹp do Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức ngày 19 và 20/10, TS.BS Nguyễn Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, bất cứ kỹ thuật làm đẹp nào cũng có những rủi ro nhất định. Đơn cử, như việc căng da mặt bằng chất làm đầy hoặc chỉ, khách hàng có thể bị dị ứng với thuốc tê hay chính sản phẩm làm đẹp, thậm chí là chỉ để căng da. 

Chuyên gia cảnh báo những rủi ro có thể mắc phải khi làm đẹp - 1

Khách hàng được bác sĩ tư vấn lựa chọn dịch vụ làm đẹp tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, những tai biến thẩm mỹ do tiêm filler, sau tia laser gặp phổ biến nhất, bệnh nhân nhập viện với tình trạng tổn thương hoại tử sau tiêm filler, có trường hợp hoại tử mông, mù mắt... 

Đáng nói, những ca tai biến này, không phải cứ vào viện là có thể sửa chữa. "Nhiều ca, sửa chữa chỉ ở mức độ nào đó, không thể trở lại trạng thái ban đầu, bệnh nhân để lại di chứng suốt đời vì làm đẹp".

Điều này cảnh báo một "xu hướng" thẩm mỹ thiếu an toàn. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là những người trẻ tuổi, không tìm hiểu kỹ tại các cơ sở thẩm mỹ mình làm có đủ điều kiện, được cấp phép không.

Nhiều người chỉ nhìn vào độ hoành tráng, to lớn của cơ sở mình thực hiện thẩm mỹ nhưng không biết rõ ai sẽ là người thực hiện cho mình, trình độ ra sao. Đến khi xảy ra tai biến hối hận đã không kịp.

Theo các chuyên gia, bất cứ thủ thuật nào cũng có nguy cơ rủi ro, nhưng rủi ro tăng lên nếu thực hiện không đúng kĩ thuật. Yếu tố rủi ro tăng lên khi sử dụng vật liệu, sản phẩm không được đảm bảo để làm đẹp. Bên cạnh đó, việc khám sàng lọc trước khi thực hiện can thiệp là vô cùng quan trọng.

Với bất cứ thủ thuật hay phẫu thuật làm đẹp nào, dù là ít xâm lấn, bệnh nhân cũng cần được khai thác tiền sử các bệnh mãn tính (huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...) và kiểm tra một số bệnh truyền nhiễm.

Với thủ thuật căng da mặt, các bác sĩ khuyến cáo không phải ai cũng có thể làm phẫu thuật căng da mặt được, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, gan... cần được tư vấn cẩn thận.

Ngay với tiêm chất làm đầy (filler) là phương pháp rất phổ biến trong làm đẹp nhưng chỉ những bác sĩ được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện.Trong khi đó, phần lớn các ca có tai biến sau tiêm chất làm đầy nhập viện đều là tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ. Không phải cứ thấy người ta tiêm là mình cũng tiêm, dễ xảy ra biến chứng do không hiểu giải phẫu, không hiểu chỉ định tiêm.

Phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trở thành xu hướng, là lựa chọn làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đây là những phương pháp làm đẹp có xâm lấn, vì thế nguy cơ biến chứng là có thể xảy ra.

Vì thế, để giảm thiểu nguy cơ biến chứng thấp nhất, các chuyên gia khuyến cáo, làm đẹp nhưng phải an toàn. Để làm đẹp, đầu tiên hãy tìm đến bệnh viện có hệ thống gây mê thật tốt, tiếp đó là lựa chọn bác sĩ có tay nghề tốt. Hãy tìm hiểu kĩ người bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho mình, tuyệt đối không nghe những lời quảng cáo có cánh trên mạng xã hội.

Tại Việt Nam ước tính cả nước có đến hàng chục nghìn spa và hàng nghìn thẩm mỹ viện trên toàn quốc. Điều đáng lo ngại, ở những cơ sở làm đẹp đơn thuần không đủ bảo đảm các tiêu chuẩn: diện tích, ánh sáng, điều kiện vô khuẩn, không đủ phương tiện y tế cần có… nên dễ gây biến chứng.

Trước thực trạng nở rộ "như nấm sau mưa" của nhiều cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp. Để làm đẹp an toàn, người dân nên đến các cơ sở y tế nhà nước, tư nhân nhưng phải là những cơ sở y tế được cấp phép, bác sĩ được đào tạo, hiểu sâu sắc về thẩm mỹ mới có thể làm đẹp an toàn, giảm thấp nhất nguy cơ biến chứng.

Hồng Hải