1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyện của những người cứ “cho máu” là khỏe

(Dân trí) - Trong 100 gương mặt hiến máu tình nguyện tiêu biểu được tôn vinh, nhiều người đã quen hiến máu là chuyện thường ngày, nhưng cũng là mục đích sống, là cách để họ trả ơn đời bởi cũng từ những giọt máu của người không quen biết đã hồi sinh họ.

Giọt máu người không quen biết đã cứu sống tôi!

Phạm Nguyễn Hồng Châu (Quảng Nam) đã 36 lần hiến máu, là một trong trong 100 gương mặt tiêu biểu được tôn vinh năm 2017 vì những hoạt động trong hiến máu tình nguyện.

Anh Phạm Nguyễn Hồng Châu coi hiến máu tình nguyện là để anh trả nợ đời, khi mà những giọt máu của người không quen biết đã cứu sống anh. Ảnh: H.Hải
Anh Phạm Nguyễn Hồng Châu coi hiến máu tình nguyện là để anh trả nợ đời, khi mà những giọt máu của người không quen biết đã cứu sống anh. Ảnh: H.Hải

Anh Châu chia sẻ, duyên đưa anh tới hoạt động này là vào năm 2005, anh bị tai nạn lao động thập tử nhất sinh. Không chỉ được sự giúp đỡ từ bà con, bạn bè, mà đặc biệt hơn những giọt máu của những người chưa từng quen biết đã cứu anh Châu qua nguy kịch.

“Từ đó tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống. Từ đó tôi tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để chia sẻ bớt nỗi đau, nỗi bất hạnh của những người bệnh không may mắn. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất trả ơn cuộc đời xã hội”, anh Châu nói.

Người đàn ông này cũng chia sẻ thêm, khi đang ngồi bên mâm cơm, hay khi đã lên giường đi ngủ, bất cứ giờ nào anh nhận được điện thoại “cầu cứu” là sẵn sàng đi hiến máu. Trong 36 lần hiến máu thì có 7 lần anh hiến máu trong tình huống cần máu cấp cứu như vậy.

“Năm 2008 tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam có sản phụ mang bầu 6 tháng sinh non. Khi đến hiến máu, được biết những giọt máu của mình đã cứu được cả hai mẹ con. Mình rất xúc động. Mình thấy hạnh phúc bởi hành động nhỏ đã mang đến cuộc sống, mang đến hạnh phúc cho bao gia đình khi thân nhân họ vượt qua hiểm nguy. Chắc chắn, mình sẽ hiến máu đến khi nào còn có thể”, anh Châu chia sẻ.

Trong đợt này, anh Nguyễn Hữu Thuận (TP Hồ Chí Minh) được tôn vinh là người hiến máu nhiều nhất Việt Nam với 86 lần hiến máu, trong đó nhiều lần anh hiến một lúc 2 đơn vị máu bởi có một sức khỏe cường tráng.

Anh Trần Nguyên Dũng (TP Hồ Chí Minh) không nhớ năm bao nhiêu anh bắt đầu hiến máu. Chỉ nhớ khi đó chưa lấy vợ, một người bạn ở đơn vị có con phải thay van tim. Những lần đến viện thăm con đồng đội, anh thấy nhiều người bệnh khốn khổ cần máu nên anh đã hiến. Từ đó, cứ 3 tháng một lần anh đi hiến máu. Anh cũng truyền lửa cho cậu con trai đang là sinh viên năm thứ 3 đại học hiến máu tình nguyện và đến nay, chàng trai này cũng hiến máu được 13 lần.


Anh Dũng đã 62 lần hiến máu và sẽ tiếp tục đến khi nào không được hiến mới thôi. Ảnh: H.Hải

Anh Dũng đã 62 lần hiến máu và sẽ tiếp tục đến khi nào không được hiến mới thôi. Ảnh: H.Hải

Đến nay, anh Dũng đã 62 lần hiến máu. Anh nhớ mãi kỉ niệm một lần khi mới hiến máu tầm 1 tháng, khi chở con đi học thấy trường con tổ chức hiến máu tình nguyện. Anh đã “khai gian” để đủ tiêu chuẩn hiến máu.

“Mình thấy “cứ cho đi là khỏe”, nên duy trì việc hiến máu đều đặn”, anh Dũng nói. Để đủ tiêu chuẩn hiến máu đều đặn, anh Dũng tiết lộ phải rất giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là không rượu bia mới tự tin đi hiến máu.

Việt Nam lần đầu đăng cai sự kiện Ngày quốc tế Người hiến máu

Sáng 12/6, tại buổi họp báo về các hoạt động “Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc” và Sự kiện toàn cầu “Ngày quốc tế Người hiến máu – 14/6/2017”, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng chia sẻ, ông đã 20 lần hiến máu. Sau mỗi lần góp máu để cứu được bệnh nhân, ông thấy rất vui, rất hạnh phúc.

GS Trí chia sẻ, bản thân ông mỗi lần hiến máu đều thấy rất hạnh phúc vì giúp được người bệnh. Ảnh: H.Hải
GS Trí chia sẻ, bản thân ông mỗi lần hiến máu đều thấy rất hạnh phúc vì giúp được người bệnh. Ảnh: H.Hải

GS Trí cho biết, đây là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu Ngày quốc tế người hiến máu. Thông điệp mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra trong Ngày quốc tế người hiến máu năm nay là “Hiến máu cứu người- xin hiến thường xuyên”, nhằm kêu gọi cộng đồng thường xuyên hiến máu và sẵn sàng hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp.

Hưởng ứng ngày này, từ ngày 11 đến 14/6, Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động: đạp xe vận động hiến máu với sự tham gia của 3 tình nguyện viên đạp xe từ I-ran đến Việt Nam; Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn người hiến máu an toàn, ổn định”; Hành trình “Về miền di sản”, Lễ báo công dâng Bác và Chương trình gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây là cơ hội để các quốc gia trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác về vận động hiến máu.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc với sự tham gia của 100 gương mặt tiêu biểu; 38 đại biển đến từ tổ chức quốc tế và 9 quốc gia tham gia sự kiện này. Trong đó, nổi bật là anh Trần Nguyên Dũng, thành phố Hồ Chí Minh, hiến máu 61 lần, anh Phạm Hồng Châu, tỉnh Quảng Nam hiến máu 36 lần, anh Đào Trọng Hưng ở Thanh Hóa 22 tuổi, hiến máu 21 lần, chị Trịnh Lan Anh ở Hà Nội hiến máu 17 lần...

Tham gia sự kiện toàn cầu Ngày quốc tế hiến máu còn có sự tham gia của những đại biểu quốc tế nhiều lần hiến máu, như: ông Floris Langendam ở Hà Lan, 68 tuổi hiến máu gần 600 lần, anh Ryu Jaehan ở Hàn Quốc, 29 tuổi, hiến máu 87 lần và ông Purushotam Paliwa ở Ấn Độ hiến máu 69 lần.../.

Tại buổi họp báo, người hiến máu nhiều nhất thế giới là ông Floris Langendam ở Hà Lan chia sẻ:“Giúp cho người bệnh cần máu, nên dù ở độ tuổi 66, tôi vẫn tham gia hiến huyết tương đều đặn 2 tuần/lần”.

Người đàn ông 66 tuổi ở Hà Lan với 580 lần hiến máu. Ảnh: H.Hải
Người đàn ông 66 tuổi ở Hà Lan với 580 lần hiến máu. Ảnh: H.Hải

Ông Floris cho biết, từ năm 1971 ông bắt đầu tham gia hiến máu và đến nay đã hiến máu được 46 năm. Đầu tiên, ông tham gia hiến máu toàn phần, nhưng sau đó được chọn là người có đủ sức khỏe để tham gia hiến huyết tương. Từ chỗ 4 tuần được hiến một lần, ông được lựa chọn 3 tuần lần, 2 tuần/lần. Cứ vậy đều đặn nên đến nay, ông đã hiến máu tổng 580 lần, chủ yếu là hiến huyết tương.

Cặp vợ chồng người Ấn Độ sang Việt Nam hôm nay đúng ngày kỉ niệm ngày cưới, mong muốn được hiến máu tại Việt Nam để kỉ niệm ngày đặc biệt của họ. Tuy nhiên, người chồng dã 63 tuổi, trong khi Việt Nam chỉ cho phép người dưới 60 tuổi được hiến máu.

TS Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa Vận động hiến máu (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết, những năm qua có khoảng 1,6% số dân Việt Nam đi hiến máu tình nguyện, đạt khoảng 97% là hiến máu tự nguyện không lấy tiền. Phấn đấu đến 2020, sẽ có khoảng 2% dân số Việt Nam đi hiến máu và 100% số người tham gia hiến máu là tình nguyện (chấm dứt tình trạng bán máu lấy tiền hoặc người nhà cho máu).

Hồng Hải