Chữa tay liệt bằng kỹ thuật vi phẫu hiện đại
(Dân trí) - Trước đây, bệnh nhân bị liệt thường phải chấp nhận cảnh tàn phế suốt đời. Nhưng nay, bằng kỹ thuật vi phẫu hiện đại, Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội đã thực hiện thành công việc chuyển ghép dây thần kinh để phục hồi chức năng của tay bị liệt.
PGS.TS Lê Văn Đoàn, phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội cho biết, sau khi được chuyển dây thần kinh (hoặc một số bó sợi thần kinh) bằng kỹ thuật này, từ người bị liệt tay, bệnh nhân có thể hoạt động trở lại cánh tay bị liệt như có thể gấp khuỷu và một số chức năng của bàn tay.
Điều đặc biệt của phương pháp này là có thể chuyển dây thần kinh từ xa (lấy dây thần kinh hoặc một số bó sợi thần kinh từ cánh tay lành bên đối diện chuyển sang cho bên tay bị liệt), từ đó giúp việc phục hồi khả năng gấp khuỷu và cử động bàn tay tốt hơn. Trên thực tế, các bệnh nhân được chữa liệt tay bằng phương pháp này có kết quả rất tốt, tay bị liệt có thể phục hồi được 35-40%. Đối với trường hợp liệt không hoàn toàn, chức năng tay còn được hồi phục tốt hơn, lên đến 85-90%, gần bằng chức năng của tay lành.
“Thêm một điểm đặc biệt cần nhấn mạnh, đó là bên tay lành, tuy đã bị lấy một rễ thần kinh để chuyển sang bên tay liệt, nhưng không ảnh hưởng gì đến chức năng của tay lành. Sau phẫu thuật, tay bên lành chỉ bị tê nhẹ, sau 3-6 tháng sẽ trở lại bình thường”, TS Đoàn nhấn mạnh.
Như vậy, phương pháp chuyển dây thần kinh từ xa bằng kỹ thuật vi phẫu hiện đại mang lại hiệu quả rõ rệt cho cánh tay bị liệt. Khác với trước đây, việc chuyển dây thần kinh chỉ thực hiện được từ cách lấy rễ thần kinh gần và cùng bên với tay bị liệt nên khả năng phục hồi rất hạn chế do không đủ nguồn bó sợi thần kinh để cho.
Thống kê tại Viện chấn thương chỉnh hình quân đội cho thấy có đến 90% trường hợp bị liệt đám rối thần kinh cánh tay là nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông. Trong đó, có tới 70% là các ca bệnh nặng, cánh tay liệt hoàn toàn, mất hết cảm giác và chức năng vận động; chỉ có 30% trường hợp nhập viện ở mức độ nhẹ hơn, cử động được bàn tay, nhưng không gấp khuỷu và không cử động được khớp vai.
“Với kỹ thuật chuyển dây thần kinh từ xa bằng kỹ thuật vi phẫu, người bệnh có cơ hội phục hồi chức năng tay bên liệt rất cao. Tuy nhiên cần lưu ý, chức năng tay chỉ được phục hồi tốt nhất khi được phẫu thuật trong vòng 3 tháng sau tai nạn. Sau 3-9 tháng, kết quả sẽ kém hơn. Còn sau 12 tháng, cơ đã thoái hóa thì không hi vọng phục hồi bằng phẫu thuật này nữa, mà phải dùng cách chuyển gân hoặc phải ghép cơ có nối thần kinh vận động bằng kĩ thuật vi phẫu với kết quả hạn chế hơn rất nhiều”, TS Đoàn khuyến cáo.
Hồng Hải