Chữa sạm da bằng thuốc Đông y
Để chữa chứng sạm da, có thể lấy ké đầu ngựa 80-100 g, sắc đặc uống hằng ngày. Uống liên tục trong khoảng 3 tháng.
Sạm da là quá trình bệnh lý làm tăng lượng hắc tố của da. Hắc tố sinh ra do tia tử ngoại kích hoạt các men oxydaza và tyrosinaza, dẫn đến quá trình biến đổi sinh hóa chất amin-tyrosin trong máu.
Chất protein đồng (cupro-protein) làm tăng men tyrosinaza nên có khả năng xúc tiến tăng hắc tố. Ngược lại, nhóm chất có lưu huỳnh như natri hyposunfit kìm hãm men tyrosinaza nên ngăn cản phát triển hắc tố.
Điều hòa hắc tố da là nhiệm vụ của các tuyến nội tiết như thùy giữa tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận. Quá trình tạo hắc tố ở da còn có vai trò của hệ thần kinh dinh dưỡng, đặc biệt là hệ thần kinh giao cảm.
Trong căn nguyên bệnh sinh của sạm da, nhiều nhà khoa học đã chứng minh vai trò cảm ứng của cơ thể với ánh sáng, cụ thể là với tia tử ngoại. Từ lâu, người ta nhận thấy hàng loạt chất từ môi trường bên ngoài (thức ăn, thuốc uống, hóa chất, nhựa than...) hoặc ngay từ trong cơ thể, do quá trình bệnh lý, làm da thay đổi cảm ứng, hấp thụ nhiều tia tử ngoại. Đó là các chất quang động. Trong cơ thể người, việc pocphyrin máu (xuất hiện do thoái hóa hồng cầu) sẽ dẫn đến tăng cảm ứng da đối với ánh sáng. Rối loạn chức năng gan, tăng sắc tố mật, muối mật, thiếu vitamin... cũng làm da tăng cảm ứng đối với ánh sáng.
Một số bài thuốc chữa sạm da:
Sinh địa, hạn niên thảo, trư linh, đương quy mỗi thứ 20 g, nữ trinh tử, thổ phục linh, hoàng tinh, bồ công anh mỗi thứ 30 g; tần giao, sơn thù nhục mỗi thứ 10 g, đan sâm, phòng phong (tổ ong) mỗi thứ 15 g. Sắc uống ngày một thang.
Nguyên sâm, thiên hoa phấn, hoàng kỳ mỗi thứ 30 g; phục linh, khổ sâm mỗi thứ 15 g; bạch truật, xuyên khung mỗi thứ 12 g; đương quy, xích thược, sinh địa mỗi thứ 20 g; bạch hoa xà thiệt thảo 50 g, bối mẫu, tạo giác thích mỗi thứ 10 g. Sắc uống ngày một thang.
BS Trần Xuân Thủy - Sức Khỏe & Đời Sống