Chữa giun sán bằng quả lựu
Ngoài công dụng chữa sán, vỏ rễ và vỏ thân còn dùng làm thuốc ngậm chữa đau răng, chữa đi ngoài, đi lỵ. Nhưng để chữa lỵ đi ngoài, thường dùng vỏ quả.
Người ta dùng vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ phơi hay sấy khô, hoặc dùng vỏ quả lựu phơi hay sấy khô làm thuốc. Vỏ thân và rễ lựu có độc, khi dùng phải cẩn thận.
Vỏ bóc về phơi khô để dành, dùng càng sớm càng tốt. Có người nói vỏ để lâu quá 1 năm không còn tác dụng. Nhưng có tác giả cho rằng để dành trên 10 năm vẫn còn tác dụng. Không phải chế biến gì khác.
Chữa sán: Phụ nữ có thai và trẻ em không dùng được. Nên dùng vỏ rễ lựu vì trong vỏ, chất peletierin, isopeletierin được kết hợp tự nhiên với tanin thành một chất không tan, tác dụng nhiều đối với sán ở trong ruột, ít làm mệt cơ thể người. Tuy nhiên, uống cả vỏ hơi khó.
Nên chọn vỏ mới đào, vỏ tươi hiệu lực mạnh hơn do có nhiều ancaloit. Khi dùng rễ khô, cần ngâm nước vài giờ trước khi pha chế thì vẫn có hiệu lực chữa sán.
Chữa sán theo dược thư của Pháp: Vỏ lựu khô tán vừa phải 60 g, nước cất 750 g. Cần ngâm bột trong 6 giờ. Sau đó sắc còn 500 g rồi gạn và lọc. Sáng sớm uống thuốc này, chia làm 2 lần hay 3 lần uống, cứ cách nửa giờ uống 1 lần, sau khi uống liều cuối cùng được 2 giờ thì uống 1 liều thuốc tẩy. Khi uống thuốc cần nằm nghỉ, nhắm mắt lại cho đỡ mệt.
Đơn thuốc chữa sán có phối hợp với thuốc tẩy: Vỏ rễ lựu 40 g, đại hoàng 4 g, hạt cau 4 g, nước 750 ml sắc còn 300 ml. Tối hôm trước nhịn đói. Sáng sớm hôm sau uống thuốc này, chia làm 2-3 lần uống. Trong khi uống thuốc cần nằm nghỉ. Đợi khi nào thật buồn đi ngoài hãy đi, mông nhúng hẳn vào một chậu nước ấm ấm để sán ra hết.
GS Đỗ Tất Lợi
Theo Sức Khỏe & Đời Sống