1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chữa đau đầu bằng cách... ngậm bút chì

(Dân trí) - Sau một ngày bận rộn ở văn phòng hay một buổi chiều “đánh vật” với bọn trẻ, những cơn đau nhói ở đầu không bao giờ là thứ được chào đón. Nhưng thay vì mở tủ thuốc, các chuyên gia gợi ý: hãy ngậm một cây bút chì giữa hai hàm răng.

Ngậm chiếc bút chì giữa hai hàm răng, nhưng không cắn chặt, có thể làm giảm đau đầu căng thẳng
Ngậm chiếc bút chì giữa hai hàm răng, nhưng không cắn chặt, có thể làm giảm đau đầu căng thẳng

TS Jane Leonard, bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, cho biết phần lớn những cơn đau đầu xuất phát từ sự căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và bất ổn về tình cảm và do sự co thắt của các cơ ở mặt, cổ, hàm và da đầu.

“Bệnh nhân thường day vùng thái dương - một dấu hiệu chỉ ra nơi khởi nguồn của cơn đau. Nguyên nhân là do sự co thắt của cơ thái dương – một cơ có hình quạt nối từ vùng thái dương ra sau đầu."

Tình trạng co thắt cơ cũng có liên quan đến các cơ hàm và có thể là dấu hiệu của loạn năng khớp thái dương hàm.

Hàm là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể. Khớp thái dương hàm nằm ngay trước tai, nơi xương hàm dưới tiếp nối với hộp sọ. Ở giữa nơi hai xương này gặp nhau là một đĩa sụn, giúp xương hàm di chuyển dễ dàng. Vấn đề phát sinh khi đĩa sụn - có hình dạng giống chiếc mũ chơi bóng chày và kích thước bằng ngón tay cái - di lệch ra khỏi vị trí bình thường do cơ hàm đau nhức, co thắt hay bị viêm, mòn đi do tuổi tác.

Đặc trưng bởi đau và tiếng lục cục ở khớp, ước tính cứ 4 người thì sẽ có một người bị tình trạng này vào một lúc nào đó trong đời và thủ phạm là do nghiến răng hoặc cắn chặt hàm kéo dài.

Tiếng lục cục mà bệnh nhân thấy khi há miệng là do đĩa sụn di chuyển hoặc đang cố về lại vị trí bình thường khi ngậm miệng. Ở hầu hết mọi người, tiếng lục cục hoặc đau sẽ giảm dần. Nhưng khoảng 5% bệnh nhân bị cứng hàm nhiều lần hoặc vĩnh viễn do đĩa sụn sẽ di lệch nhiều và không thể trở về vị trí nếu không được phẫu thuật.

Theo TS Leonard, việc ngậm bút chì giữa hai hàm răng có thể giúp thư giãn cơ hàm. "Đây là một bài tập để cố gắng thư giãn các cơ nhai bị co thắt do loạn năng khớp thái dương hàm”.

Ngoài nguyên nhân ở khớp hàm, các nghiên cứu trước đây cũng đã liên hệ đau đầu với tăng áp lực lên cổ, do tư thế không đúng gây ra. Các chuyên gia cho biết 80% đau đầu căng thẳng - loại đau đầu phổ biến nhất – là do các cơ ở cổ.

Theo Julie Sugrue, bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu chuyên về vai trò của cơ trong đau đầu, đầu và cổ có ít nhất 36 nhóm cơ, trong đó 20 đã được chứng minh là gây đau đầu.

"Những cơ này được sử dụng cho nhiều hoạt động như là cử động đầu, giữ tư thế, ăn uống, nói chuyện và biểu cảm khuôn mặt.

"Tư thế ngồi gù lưng và căng cổ nhiều có thể tạo ra những "nút thắt" trong các cơ. “Những “nút thắt” có thể gây đau đầu, do chúng khiến các dây thần kinh trở nên nhạy cảm hơn với đau.

Cẩm Tú

Theo DM