1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chữa chứng khóc đêm ở trẻ

Khóc đêm, hay còn gọi là khóc dạ đề thường là do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ, ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, ban ngày hoặc trước lúc ngủ đùa nghịch quá độ khiến thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh.

Khóc đêm là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, khiến cho các bậc cha mẹ rất vất vả, phiền lòng. Tuy nhiên, chứng này không có trong danh mục Bệnh nhi khoa trong y học hiện đại, mà chỉ được đề cập trong y học cổ truyền.

 

Dạng tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, tiêu hóa kém)

 

Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, tiếng khóc yếu, khi khóc hay ưỡn người, trán vã mồ hôi. Da trẻ thường xanh nhợt, thường ngày người uể oải, mệt mỏi, hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, bụng lạnh, đau, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.

 

Cách trị

 

- Gừng tươi 5 g, đường đỏ 15 g. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.

 

- Hành 5-10 củ, để liền cả củ và rễ, rửa sạch, thái ngắn, gạo tẻ 25 g, gừng tươi 3 lát. Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín cho hành và gừng vào đun thêm một lát nữa cho sôi lại là được. Chia ra cho trẻ ăn trong ngày.

 

- Bạch truật (sao vàng) 6 g, đẳng sâm 8 g, phục linh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.

 

Dạng tâm nhiệt (nhiệt tích ở tạng Tâm)

 

Biểu hiện: Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, môi hồng, miệng và hơi thở nóng, thường ngày hay quấy khóc không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Cần làm mát tạng Tâm và giải nhiệt.

 

Cách trị

 

- Lá vông nem 6 g, diếp cá 8 g, rau má 12 g, gừng tươi 2 lát, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.

 

- Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15 g, sắc lấy 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Cây cỏ bấc đèn mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm ướt. Mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô để dùng dần làm thuốc.

 

- Lá tre 5 g, gạo tẻ 25 g. Cách chế và sử dụng: Sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.

 

Dạng lo sợ bất an (khóc đêm do sợ hãi)

 

Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép chữa: Dưỡng tâm an thần.

 

Cách trị

 

- Hạt sen khoảng 20 hạt, để cả tâm, sắc lấy nước, chia thành 2 lần cho trẻ uống trong ngày, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.

 

- Xác ve sầu ( “thiền thoái”, “thiền y”) 3-5 g, bỏ đầu và chân, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày. Hoặc xác ve sầu đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ dùng dần. Tối đến, lấy mươi ngọn bạc hà, đun nhỏ lửa cho sôi, gạn lấy nước, để gần nguội thì hòa 2-3 g bột xác ve sầu vào, cho trẻ uống từng ít một, mỗi lần vài giọt, không vội vàng uống nhiều một lúc.

 

Một số cách dùng thuốc đắp bên ngoài

 

- Lá trầu không đặt lên bếp hơ cho ấm, ấp vào rốn trẻ, rồi bế vào lòng, ấp bụng con vào bụng mẹ, để hơi ấm của mẹ truyền sang cho con, một lát sau trẻ sẽ đỡ khóc và ngủ yên. Có tác dụng rất tốt đối với trường hợp trẻ khóc đêm thuộc dạng tỳ vị hư hàn.

 

- Hạt bìm bìm 7-9 hạt, giã nát, trộn với nước ấm thành bột nhão. Trước khi cho trẻ nằm ngủ, lấy bột thuốc đắp lên rốn, dùng băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề. Nếu không kiếm được hạt bìm bìm ở quanh nhà, có thể mua ở cửa hàng Đông dược.

 

- Tại những nơi nuôi tằm, nên nhặt lấy những con tằm tự nhiên bị chết cứng (do bị nhiễm một loại khuẩn), cong queo, màu trắng nhờ hay hơi lốm đốm trắng, đem sấy khô, cất vào lọ nút kín dùng dần.

 

Khi trẻ mắc chứng khóc đêm, trước khi đi ngủ, lấy mấy con tằm, cho vào bát giã nát, hòa với chút rượu, hơ cho ấm, đắp vào hai gan bàn chân của trẻ, rồi dùng băng hoặc băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống