1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chữa bỏng tại nhà như thế nào mới đúng?

(Dân trí) - Gần như ai cũng sẽ bị bỏng vào một lúc nào đó trong đời do nấu ăn, cháy nắng, hoặc thậm chí là bỏng hóa chất nhẹ. Thường thì các vết bỏng nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Những vết bỏng nặng hơn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.Khi nào thì vết bỏng có thể chữa trị ở nhà?

Khi xảy ra bỏng, điều quan trọng cần biết là vết bỏng đó có thể chữa trị ở nhà hay phải đến cơ sở y tế để điều trị.

Chữa bỏng tại nhà như thế nào mới đúng? - 1

Bỏng được phân loại theo mức độ nặng. Các bác sĩ thường mô tả vết bỏng theo 4 độ.

• Bỏng độ I: bỏng nhẹ nhất, chỉ ảnh hưởng đến lớp da ngoài.

• Bỏng độ II: bỏng nhẹ thứ hai, ảnh hưởng đến lớp da sâu hơn.

• Bỏng độ III: ảnh hưởng đến tất cả các lớp da.

• Bỏng độ IV: bỏng nặng nhất, gây tổn thương đến xương và khớp.

Bỏng độ I và II có thể điều trị tại nhà. Thông thường sẽ không có biến chứng và vết bỏng sẽ liền với can thiệp tối thiểu.

Bỏng độ I sẽ liền trong vòng 7 đến 10 ngày. Bỏng độ II thường hồi phục trong vòng từ 2 đến 3 tuần. Cần theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng có thể phải điều trị y tế.

8 cách xử lý vết bỏng tại nhà

Chữa bỏng tại nhà như thế nào mới đúng? - 2

1. Dội nước mát lên vết bỏng

Cho nước mát chảy qua vết bỏng độ I hoặc độ II có thể ngay lập tức làm dịu và ngăn ngừa tổn thương thêm từ vết bỏng.

Dội nước mát chảy lên vết bỏng khoảng 20 phút sẽ làm mát da. Cách chữa này làm được hai việc: Thứ nhất nó làm giảm đau do bỏng. Thứ hai là nó cũng ngăn vết bỏng không nặng thêm và ảnh hưởng đến lớp da sâu hơn.

2. Làm sạch vết bỏng

Sau khi ngâm trong dòng nước mát, cần phải làm sạch vết bỏng thật cẩn thận. Nên sử dụng xà phòng kháng khuẩn nhẹ và không chà xát.

Làm sạch vết bỏng sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, có thể khiến vết bỏng khó liền và cần điều trị y tế.

3. Băng

Vết bỏng độ I không cần băng. Ngay cả vết bỏng độ II chưa bị vỡ cũng không cần băng.

Tuy nhiên nếu vết bỏng ở chỗ dễ đụng chạm hoặc dễ bị bẩn thì có thể cần băng. Trong trường hợp nốt phồng rộp do bỏng bị vỡ, che vết bỏng bằng băng sẽ giúp ngăn ngừa bụi bẩn hoặc nhiễm trùng xâm nhập vào vết bỏng.

Điều quan trọng là cần băng lỏng lẻo và không dán băng dính trực tiếp lên vết bỏng.

4. Kháng sinh

Khi nốt phồng rộp do bỏng bị vỡ thì có thể cần bôi kem hoặc mỡ kháng sinh. Kem kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa vết thương khỏi bị nhiễm trùng và giúp vết thương lành nhanh hơn.

5. Thuốc giảm đau không cần đơn

Ngay cả những vết bỏng độ I và độ II cũng gây đau cho đến khi liền, nên bạn có thể muốn dùng thuốc để giảm đau và sưng.

Ibuprofen là một lựa chọn tốt về cả giảm đau lẫn chống viêm.

6. Tránh nắng

Giữ vết bỏng tránh nắng có thể giúp giảm đau và giảm nguy cơ bỏng nặng hơn.

Nếu không thể tránh nắng, mặc quần áo thoải mái để che vết bỏng có thể giúp ích.

7. Nha đam

Có rất nhiều loại kem và dưỡng ẩm chứa nha đam.

Nha đam đã được chứng minh có triển vọng trong điều trị bỏng. Nha đam có đặc tính chống viêm tự nhiên, thúc đẩy tuần hoàn và kháng khuẩn ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

8. Mật ong

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong có tính chống viêm và kháng khuẩn.

Băng mật ong có thể giúp sát trùng vết bỏng và ngăn ngừa nhiễm trùng. Nó cũng có thể làm dịu da bị bỏng, làm giảm đau.

Những cách chữa bỏng sai lầm

Chữa bỏng tại nhà như thế nào mới đúng? - 3

Dầu

Nhiều người cho rằng tinh dầu và một số loại dầu ăn phổ biến như dầu dừa và dầu ô liu rất tốt để chữa bỏng. Tuy nhiên, dầu giữ nhiệt, ngăn không cho sức nóng từ vết bỏng thoát ra. Giữ nhiệt có thể khiến vết bỏng nặng thêm.

Một số loại tinh dầu thường được quảng cáo là chữa lành tất cả các vấn đề ở da. Một số nghiên cứu ủng hộ sử dụng chúng, nhưng điều này mới chỉ xuất phát từ các nghiên cứu quy mô. Chưa có nghiên cứu lớn nào trên người tìm hiểu về việc sử dụng tinh dầu để chữa bỏng.

Nhiều người nghĩ rằng bôi bơ lên vết bỏng sẽ giúp chữa bỏng. Mặc dù rất thông dụng, song bơ cũng có tác dụng tương tự các loại dầu khác vì nó giữ nhiệt và có thể gây bỏng nặng thêm.

Không có bằng chứng nào ủng hộ việc sử dụng bơ để chữa bỏng.

Lòng trắng trứng

Một số người tin rằng bôi lòng trắng trứng sống lên vết bỏng sẽ giúp dịu đau. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy trứng sống giúp ích cho vết bỏng. Trên thực tế, có nhiều khả năng là trứng sẽ giúp vi khuẩn lây lan vào vết bỏng.

Đá lạnh

Nhiều người chườm nước đá trước khi dội nước mát lên vết bỏng, nghĩ rằng nhiệt độ lạnh của đá sẽ hiệu quả hơn trong việc làm mát da bị bỏng.

Tuy nhiên, đá có thể gây hại nhiều hơn là lợi và có thể gây kích ứng da bị bỏng. Trong một số trường hợp nặng, nạn nhân bị bỏng lạnh khi tiếp xúc với đá lạnh.

Kem đánh răng

Một số người tin rằng việc bôi kem đánh răng vào một chỗ bị bỏng có thể giúp ích. Trên thực tế, kem đánh răng không vô trùng có thể giúp vi khuẩn lây nhiễm vào vết bỏng.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Mặc dù bỏng độ I và độ II thường không cần chăm sóc y tế, song có một vài dấu hiệu cần để ý. Cũng cần theo dõi những vết bỏng độ I vì chúng trở thành độ II với tổn thương nặng hơn sau vài giờ.

Nếu một người bị bỏng độ II hoặc cao hơn với bất kỳ tình trạng nào sau đây, họ nên tìm sự chăm sóc y tế ngay:

• vết bỏng trên diện tích da lớn hơn 8cm2

• bỏng quanh khớp như khớp gối và khuỷu tay

• vết bỏng ở mặt, bẹn, bàn chân, bàn tay, hoặc mông

Bỏng độ III và IV cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Những vết bỏng này thường được coi là đe dọa đến tính mạng. Không nên thử chữa ở nhà khi bị bỏng nặng.

Hầu hết những người bị bỏng độ I và độ II sẽ hồi phục hoàn toàn trong một thời gian ngắn.

Trong thời gian này, cần chăm sóc để giữ cho vết bỏng sạch sẽ. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, vết bỏng trên diện tích lớn, hoặc không liền trong thời gian thích hợp thì nên đến cơ sở y tế để được điều trị.

Cẩm Tú

Theo MNT