Chữa “bệnh lùn”: Đừng để quá muộn

Cha mẹ đều cao, con trẻ cũng được chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng rất đúng cách để “kích” chiều cao. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ không hiểu vì sao con mình lại không vượt qua được tình trạng mà các bác sĩ hay gọi là “bệnh lùn”.

Phần lớn trẻ bị “bệnh lùn” được phát hiện sau khi điều trị tại các trung tâm dinh dưỡng nhưng không mang lại kết quả

 

Do thiếu nội tiết tố

 

Từ khi con gái được 2 tuổi, chị T.T.V - 30 tuổi, ở Hà Nội - cảm thấy lo lắng vì chiều cao của cô bé phát triển rất chậm, thậm chí còn thua người em họ sinh cùng năm, cùng tháng gần 10cm. Đưa con tới các trung tâm khám dinh dưỡng và được chẩn đoán còi xương, chậm lớn, chị V. ra sức tẩm bổ cho bé bằng các loại sữa tăng chiều cao cũng như những sản phẩm bổ sung canxi. Song, qua vài năm mà chiều cao của con gái chị vẫn thấp hơn mức trung bình 5-6cm, trong khi cân nặng đã thừa khá nhiều.

 

Đến khi con gái học lớp 1, thấy bé lùn hơn nhiều so với bạn bè, chị V. mới đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi trung ương khám. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, chụp tuổi xương, các bác sĩ phát hiện bé thiếu hoóc-môn tăng trưởng. Bé được chỉ định bổ sung loại hoóc-môn này trong điều trị.

 

 

Nhiều trẻ dù được nuôi dưỡng đúng cách nhưng chiều cao vẫn “giậm chân tại chỗ”

Nhiều trẻ dù được nuôi dưỡng đúng cách nhưng chiều cao vẫn “giậm chân tại chỗ”

 

Không chỉ con gái chị V. mà hàng chục bệnh nhân khác cũng đang được theo dõi, điều trị “bệnh lùn”.

 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trẻ có 3 giai đoạn phát triển chiều cao. Từ sơ sinh đến 3 tuổi, trẻ tăng 8-10cm/năm; từ 3-10 tuổi ở bé gái và 3-13 tuổi ở bé trai, trẻ tăng 6-7 cm/năm và giai đoạn dậy thì có thể tăng vọt 8-12cm/năm.

 

Rất dễ nhận biết những trẻ bị thiếu hoóc-môn tăng trưởng vì gần như không tăng trưởng chiều cao hoặc tăng trưởng rất chậm. Trẻ càng lớn, sự phát triển chiều cao càng cách biệt so với trẻ cùng lứa tuổi. Thế nhưng, rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng con chậm lớn là do suy dinh dưỡng, còi xương nên có một thời gian điều trị dinh dưỡng trước khi tìm đến các cơ sở y tế. Khi đó, trẻ được chẩn đoán mắc “bệnh lùn” do thiếu nội tiết tố tăng trưởng.

 

Một khi sụn tăng trưởng đã đóng, trẻ không còn khả năng tăng trưởng chiều cao nữa.

 

Chữa càng sớm càng tốt

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền BV Nhi trung ương, dấu hiệu của thiếu hoóc-môn tăng trưởng là trẻ ở độ tuổi từ 2 đến khi dậy thì phát triển chiều cao ít hơn 4cm trong 1 năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao, trong đó phải kể đến yếu tố di truyền, thể tạng, chậm tăng trưởng trong tử cung, suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh mãn tính, bất thường nhiễm sắc thể... Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao thường do suy dinh dưỡng mạn tính. Tuy nhiên, có những trẻ dù đã được nuôi dưỡng đúng cách nhưng chiều cao vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này có thể do trẻ gặp vấn đề về thiếu nội tiết tố tăng trưởng.

 

PGS Hoàn cho biết tỉ lệ thiếu hóc-môn tăng trưởng ước tính khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Thiếu nội tiết tố tăng trưởng có thể vì bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…

 

Khi trẻ được chẩn đoán thiếu nội tiết tố tăng trưởng, bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị thay thế bằng nội tiết tố tăng trưởng. Thông thường, sau điều trị nội tiết tố tăng trưởng khoảng 3-6 tháng, hầu hết trẻ sẽ tăng trưởng khoảng 5cm trở lên trong 1 năm. Những trẻ đáp ứng thuốc tốt có thể tăng khoảng 10cm/năm. Phương pháp này cung cấp lượng nội tiết tố tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành  gần mức bình thường.  “Có những bé gái đến BV lúc 8 tuổi với chiều cao 104cm. Sau 21 tháng tiêm thuốc, cháu đã tăng 23,5cm, gần đạt mức bình thường”, TS Hoàn dẫn chứng.

 

Giới chuyên môn đặc biệt lưu ý việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này là vô cùng quan trọng bởi không phải cứ muốn là có thể “kích” được chiều cao nhờ hoóc-môn tăng trưởng. Theo PGS Dũng, hoóc-môn tăng trưởng đem lại hiệu quả cao nhưng với điều kiện trẻ phải điều trị sớm. Trẻ phải được chữa bệnh trước tuổi dậy thì, tốt nhất là dùng thuốc từ 4-5 tuổi và dưới 13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ không được kích thích sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hoóc-môn tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.

 

Tuy nhiên, PGS Hoàn cũng  khuyến cáo việc điều trị hoóc-môn tăng trưởng chỉ được chỉ định cho những trường hợp cơ thể không sản xuất đủ hoóc-môn này. Những người thấp bé do di truyền sẽ không thể cải thiện chiều cao bằng loại thuốc nêu trên. Thậm chí, người bình thường nếu cố tình dùng thuốc để “chân dài” sẽ khiến chất này bị dư thừa, gây ra các rối loạn nội tiết mà hậu quả là không thể lường hết.

 

Chi phí lớn cản trở điều trị

 

PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết phương pháp điều trị tăng chiều cao bằng hormone tăng trưởng khá đắt tiền. Chi phí của liệu pháp này tùy thuộc vào cân nặng của trẻ.

 

Chi phí cho một trẻ cân nặng 10-20 kg có thể từ 60 đến 100 triệu đồng/năm. Nếu trẻ được điều trị khoảng 3-5 năm, chi phí có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Do vậy, trẻ được điều trị càng sớm càng tốt để tiết kiệm chi phí.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động