Chủ động ngăn không cho sốt rét bùng phát thành dịch

(Dân trí) - Sau nhiều năm tác động các biện pháp phòng chống, tình hình sốt rét ở một số địa phương đã giảm xuống ở mức độ thấp, tính miễn dịch của cộng đồng người dân vùng sốt rét lưu hành cũng giảm dần; các cơ sở y tế chủ quan, lơ là và lãng quên đối với bệnh.

Đây là các yếu tố thuận lợi cho sốt rét quay trở lại, có thể bùng phát thành dịch do mầm bệnh ngoại lai từ nơi khác mang về mà hậu quả sẽ khó lường nếu không cảnh giác, buông lỏng các biện pháp phòng chống và sự giám sát.

 

Tẩm màn ngủ bằng hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt rét cho đồng bào dân tộc (ảnh NVH)

Tẩm màn ngủ bằng hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt rét cho đồng bào dân tộc (ảnh NVH)

 

Nguy cơ bùng phát dịch nếu chủ quan, lơ là

 

Sốt rét là một bệnh lây nhiễm do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium ký sinh trong cơ thể người gây nên và được lây truyền từ người bệnh sang người lành theo đường máu qua trung gian của muỗi truyền bệnh Anopheles. Bệnh biểu hiện điển hình bằng những cơn sốt rét với ba triệu chứng cơ bản là rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Bệnh sốt rét phát triển có chu kỳ và có hạn định, ký sinh trùng sẽ tự biến mất trong cơ thể người khi hết tuổi thọ nếu không bị tái nhiễm lại lần khác. Sốt rét có khả năng gây miễn dịch đặc hiệu cho con người khi bị mắc bệnh nhưng không tuyệt đối. Trên thực tế bệnh lưu hành theo từng địa phương nhưng trong những điều kiện thuận lợi chúng có thể bùng phát thành dịch.

 

Dự án Quốc gia Phòng chống sốt rét đã được triển khai thực hiện suốt cả quá trình thời gian qua trên cả nước với ba mục tiêu cơ bản là giảm số người mắc bệnh, giảm số tử vong do sốt rét và giảm các vụ dịch xảy ra; sau đó đã đưa thêm một mục tiêu bổ sung là xây dựng các yếu tố phòng chống bền vững để duy trì thành quả lâu dài. Tất cả các địa phương đã có nhiều nỗ lực cố gắng để thực hiện các mục tiêu nêu trên với kết quả số người mắc sốt rét, tử vong do sốt rét và các vụ dịch sốt rét giảm dần qua các năm; nhiều địa phương đã giảm số người mắc bệnh xuống mức thấp nhất, không còn tử vong và dịch sốt rét xảy ra. Với hiệu quả đạt được của công tác phòng chống sốt rét và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)  khuyến nghị, nước ta đã xem xét chuyển chiến lược phòng chống sốt rét sang chiến lược vừa phòng chống vừa loại trừ sốt rét trong thời gian những năm đến. Nơi nào đã có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện chiến lược loại trừ, nơi nào chưa có đủ thì vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược phòng chống tích cực hướng đến loại trừ trong giai đoạn gần. Tuy vậy, nguy cơ sốt rét quay trở lại là một điều khá dễ dàng, tạo nên sự thất bại không lường trước được nếu xã hội chủ quan, lơ là, lãng quên khi tình hình dịch bệnh đã giảm vì trong cộng đồng luôn luôn tồn tại và sẵn có ba yếu tố dịch tễ học sốt rét vây quanh như nguồn bệnh, muỗi truyền bệnh và người cảm thụ; tạo điều kiện cho bệnh phát triển trở lại, lưu hành, bùng phát thành dịch.

 

Nguyên tắc phòng chống sốt rét và các biện pháp cơ bản

 

Nguyên tắc xuyên suốt của biện pháp phòng chống sốt rét là phải giải quyết một trong ba yếu tố dịch tễ học gồm nguồn bệnh là những người bệnh bị ký sinh trùng sốt rét, muỗi truyền bệnh là loài muỗi Anopheles có vai trò truyền bệnh và người cảm thụ là những người lành. Tùy theo điều kiện cụ thể và khả năng thực tế của mỗi địa phương mà tiến hành giải quyết đồng thời cả ba yếu tố hoặc chỉ một hay hai yếu tố với mức độ khác nhau. Việc phòng chống sốt rét cần áp dụng đồng bộ các biện pháp như tổ chức quản lý, giám sát dịch tễ, diệt muỗi truyền bệnh, điều trị mầm bệnh và truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng; đồng thời phải có sự tham gia và phối hợp hoạt động giữa các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, dân y và quân y.

 

Các biện pháp cơ bản để thực hiện công tác phòng chống sốt rét đạt được hiệu quả tốt là tổ chức chỉ đạo, chuyên môn kỹ thuật và truyền thông giáo dục sức khỏe.

 

- Biện pháp tổ chức chỉ đạo được thực hiện bằng việc xây dựng hệ thống điều hành, quản lý hoạt động từ trung ương đến địa phương; từ tỉnh đến quận, huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn; thôn bản, tổ dân cư thông qua Dự án Quốc gia Phòng chống sốt rét thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ từ trên đến cơ sở.

 

- Biện pháp chuyên môn kỹ thuật tập trung thực hiện việc giám sát dịch tễ sốt rét, giải quyết mầm bệnh, giải quyết muỗi truyền bệnh và bảo vệ người lành.

 

Giám sát dịch tễ sốt rét để ghi nhận, đánh giá tình hình về nguồn bệnh gồm bệnh nhân và ký sinh trùng sốt rét, muỗi truyền bệnh, sinh hoạt cộng đồng; điều kiện tự nhiên gồm khí hậu, thời tiết, môi trường; kinh tế, xã hội; dịch sốt rét và các biện pháp phòng chống sốt rét thực hiện gồm chuyên môn kỹ thuật, tổ chức.

 

Giải quyết mầm bệnh bằng cách sử dụng mọi phương pháp để phát hiện sớm nguồn bệnh gồm bệnh nhân và ký sinh trùng sốt rét nhằm điều trị kịp thời. Phát hiện bệnh có thể thực hiện bằng phương pháp chủ động, thụ động, có hệ thống thông qua hoạt động của các điểm kính hiển vi. Điều trị kịp thời cho các bệnh nhân bằng thuốc đặc hiệu đối với từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm; chú ý điều trị đủ liều, chống lây lan theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong việc giải quyết mầm bệnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ y tế dự phòng và hệ điều trị, giữa y tế công lập và y tế tư nhân; giữa dân y và quân y để mang lại hiệu quả tốt.

 

Giải quyết muỗi truyền bệnh bằng các biện pháp phối hợp để tăng hiệu quả phòng chống như phương pháp cơ học, lý học, hóa học, sinh học từ thô sơ đến hiện đại. Ứng dụng biện pháp cơ học, lý học bằng cách phát quang bụi rậm tiêu hủy nơi trú ẩn của muỗi, phá bỏ chỗ muỗi sinh đẻ ở các vũng nước, vất bỏ vỏ đồ hộp, đậy kín các dụng cụ chứa nước; khai thông rãnh nước, mương máng, suối, khe để tạo dòng nước chảy; có thể thả bèo, dầu hỏa, dầu thực vật phủ kín mặt nước; hun khói, xông hơi hóa chất, dùng siêu âm, điện trường xua đuổi muỗi. Ứng dụng biện pháp hóa học bằng cách dùng các loại hóa chất diệt côn trùng để phun tồn lưu lên tường vách hoặc tẩm vào màn ngủ ngay vào đầu mùa bệnh phát triển theo quy định; hóa chất hiện nay đang được nước ta sử dụng là lambdacyhalothrin (thương hiệu là Icon) và alphacypermethrin (thương hiệu là Fendona). Ứng dụng biện pháp sinh học bằng cách dùng phương pháp thả cá ăn bọ gậy , dùng các loại vi khuẩn bacillus diệt bọ gậy, dùng bọ gậy ăn bọ gậy, bẫy trứng tự diệt bọ gậy, tiệt sinh, hàng rào động vật...

 

Bảo vệ người lành cũng là một biện pháp được thực hiện cùng với biện pháp giải quyết mầm bệnh và muỗi truyền bệnh đã được nêu trên với mục đích là bản thân mỗi cá nhân khi sống và làm việc trong vùng sốt rét cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống muỗi đốt bằng mọi phương tiện như mặc áo quần dài, đi tất, nằm ngủ trong màn; nếu lao động, công tác ngoài trời ban đêm phải dùng mạng lưới che đầu và mặt, mang găng tay; xua đập muỗi bằng quạt, vợt điện, hun khói; dùng các loại thuốc xua muỗi...

 

- Biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe được thực hiện bằng nhiều hình thức và nhiều kênh tuyên truyền tiếp cận được với cộng đồng ở các cơ sở vùng sốt rét lưu hành để người dân có sự hiểu biết, nâng cao nhận thức, chuyển đổi được hành vi trong việc hưởng ứng, tham gia tích cực các biện pháp chuyên môn kỹ thuật nhằm giải quyết mầm bệnh và muỗi truuyền bệnh một cách có hiệu quả.

 

Khuyến nghị

 

Thực tế trong thời gian qua nhờ tác động tích cực các biện pháp phòng chống nên tình hình sốt rét ở nhiều địa phương đã giảm xuống mức thấp, khống chế được tử vong và dịch bệnh. Tuy vậy, sốt rét có nguy cơ quay trở lại và bùng phát thành dịch là điều có thể xảy ra nếu các biện pháp phòng chống không được tiếp tục thực hiện ở mức tối thiểu để duy trì thành quả. Dự kiến năm 2014, một số các dự án quốc gia về y tế, trong đó có Dự án Quốc gia Phòng chống sốt rét sẽ giảm bớt kinh phí hoạt động nên có thể gặp nhiều khó khăn để xây dựng các yếu tố bền vững bằng các biện pháp phòng chống sốt rét tích cực. Vì vậy cần xem xét lại vấn đề này để có sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ một cách phù hợp, cần thiết; đừng để xảy ra thất bại rồi mới đưa nguyên nhân này vào trong việc đánh giá.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh