Chóng mặt nên đi khám ở đâu?
(Dân trí) - Chóng mặt không phải là bệnh lý mà là triệu chứng có thể xuất hiện vì một hay nhiều nguyên nhân bệnh lý khác của cơ thể. Thông thường, để khám về triệu chứng chóng mặt, người bệnh được hướng dẫn đến các khoa nội tổng hợp trước khi chuyển tới các chuyên khoa khác tương ứng với căn nguyên bệnh lý.
Khoa nội giúp người bệnh chóng mặt khám gì?
Khám nội tổng hợp thường là khâu đầu tiên trong khám sức khỏe tổng quát nói chung. Khám nội tổng hợp giúp bác sĩ đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe chung của người bệnh, phát hiện chính xác bệnh lý và kịp thời điều trị để đảm bảo tình trạng sức khỏe.
Sau khi người bệnh đã thăm khám khoa Nội tổng hợp, nếu được bác sĩ chẩn đoán chóng mặt do vấn đề thần kinh thì sẽ được điều chuyển qua chuyên khoa thần kinh khám chuyên sâu. Tương ứng, nếu do bệnh tim mạch, do vấn đề về tâm lý, bệnh về tai… thì cũng sẽ được bác sĩ ở khoa Nội chuyển qua chuyên khoa tương ứng phù hợp. Nhiều người bị chóng mặt cứ nhầm tưởng, cứ chóng mặt là thiếu máu não hay rối loạn tiền đình, rồi mua thuốc tự uống là một quan niệm sai lầm.
Mối liên hệ giữa chóng mặt với các bệnh lý khác nhau
Như có đề cập ở trên, chóng mặt chỉ là triệu chứng có thể đến từ một hay nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu liên quan đến bệnh lý về thần kinh, các bác sĩ sẽ áp dụng những liệu pháp chẩn đoán tập trung vào các bệnh lý thần kinh trung ương hoặc ngoại biên. Mặc dù phần lớn bệnh nhân chóng mặt xuất phát từ bệnh lý thần kinh, tuy nhiên, chóng mặt do các vấn đề về tim mạch cũng xuất hiện ngày càng nhiều, phổ biến ở người bệnh có huyết áp thấp hoặc huyết áp cao. Một số các bệnh lý tim mạch khác dù hiếm nhưng cũng là nguyên nhân gây ra chóng mặt, choáng váng như bệnh mạch vành, suy tim hay rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn…
Bệnh lý liên quan đến tai trong gây chóng mặt là nguyên nhân không xa lạ gì với bác sĩ nhưng lại khiến nhiều bệnh nhân… ngạc nhiên. Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ chú ý tiền sử bệnh của người bị chóng mặt với những bệnh lý về tai như viêm tai, sỏi tai, viêm tiền đình ốc tai.
Chóng mặt còn liên quan đến một số bệnh lý khác dù ít thấy như rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh thực vật, sang chấn tâm lý hay thậm chí là do thuốc, ví dụ một số bệnh nhân tim mạch dùng thuốc lợi tiểu khi mất nước sẽ tạo ra cảm giác chóng mặt.
Dù chóng mặt đến từ bệnh lý nào, các chuyên gia đều chung một lời khuyên bệnh nhân hãy nên thăm khám, điều trị đúng bệnh chứ không nên tự suy đoán. Trong một số trường hợp khẩn cấp hoặc đang trong điều kiện chưa thể lập tức đi bệnh viện, người hay bị chóng mặt có thể chọn sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Acetyl-DL-Leucine đặc trị chóng mặt và cắt cơn nhanh.
Người bệnh cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để uống liều lượng cho phù hợp và ưu tiên lựa chọn Acetyl-DL-Leucine có xuất xứ từ Pháp để bảo đảm hiệu quả điều trị. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.