Chồng chích điện vợ hậu Covid-19 để "giải thoát": Bác sĩ cảnh báo gì?
(Dân trí) - Bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia về rối loạn giấc ngủ cho biết, biểu hiện tâm lý chung của bệnh nhân "hậu Covid-19" là sợ hãi đám đông.
Mới đây, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM xảy ra một sự việc đau lòng, khi người chồng tên Đ. đang nuôi vợ điều trị biến chứng "hậu Covid-19", đã tự tay chích điện vợ đến tử vong trong phòng bệnh rồi tự tử bất thành.
Chích điện vợ rồi tự tử để "giải thoát"
Tại cơ quan công an, người chồng thừa nhận hành vi gây ra, với lý do vì vợ bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn nên muốn giúp bà và bản thân được "giải thoát".
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, trong thời gian nuôi bệnh, người chồng không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Bản thân người vợ cũng có bảo hiểm chi trả viện phí 100% nên hiện không có gánh nặng viện phí.
Dù vậy, ngoài biến chứng tổn thương phổi sau mắc Covid-19, người vợ có tiền sử nhồi máu não từ 10 năm trước. Khi vào viện, bệnh nhân đã yếu, liệt tay chân, không thể tự chăm sóc, không tiếp xúc được, mọi sinh hoạt đều phải do chồng lo. Ngoài ra, bản thân ông Đ. cũng từng mắc Covid-19.
"Bệnh nhân 'hậu Covid-19' dù âm tính nhưng vấn đề tổn thương phổi còn lâu dài. Bác sĩ chỉ có thể động viên gia đình cố gắng an tâm điều trị cho bệnh nhân, vì đây là cuộc chiến của cả bệnh nhân và gia đình" - lãnh đạo bệnh viện nói.
Theo bác sĩ Lê Duy, chuyên khoa tâm thần, chuyên gia về rối loạn giấc ngủ và stress, chưa thể kết luận nguyên nhân người chồng chích điện giết vợ rồi tự tử khi đang nuôi vợ điều trị biến chứng "hậu Covid-19". Tuy nhiên, theo bác sĩ, người chăm sóc F0 trong một thời gian dài hoặc cả những người xung quanh chứng kiến hậu quả của Covid-19 cũng có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tâm lý.
"Khi chứng kiến một trường hợp mất vì Covid-19, có thể dẫn đến stress và sang chấn tâm lý, khởi phát nguy cơ rối loạn về tâm lý. Còn với người chăm sóc F0, bản thân họ chứng kiến trực tiếp hơn, có nguy cơ lây nhiễm và phải làm việc vất vả, nên sự sợ hãi thường gia tăng" - bác sĩ Duy phân tích.
Người chăm sóc F0 cũng cần "chăm sóc"
BS Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết, bệnh nhân Covid-19 có thể để lại rất nhiều di chứng sau điều trị khỏi bệnh. Điển hình nhất là di chứng ở phổi, khó thở, giảm khả năng gắng sức và thiếu oxy... những triệu chứng và dấu hiệu thường dai dẳng.
Ngoài ra, thống kê cho thấy có 30-40% những người sống sót sau Covid-19 gặp vấn đề lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
Các tác nhân góp phần gây ra bệnh lý thần kinh trong Covid-19 chủ yếu do sự rối loạn điều hòa miễn dịch, viêm, huyết khối vi mạch, tác dụng gây đông máu của thuốc và tác động tâm lý xã hội; ngoài ra có thể do nhiễm virus trực tiếp, viêm thần kinh, và thoái hóa thần kinh.
Bác sĩ Lê Duy cho biết thêm, biểu hiện tâm lý chung của bệnh nhân "hậu Covid-19" là sợ hãi đám đông. Đây không nhất thiết là triệu chứng bệnh, mà do những ấn tượng và nhận thức về Covid-19, tạo ra phản xạ chung trong sinh hoạt hiện tại.
Diễn tiến sự mất ngủ và ám ảnh nhìn chung sẽ dần thuyên giảm và không ảnh hưởng đến khả năng làm việc, sinh hoạt. Tuy nhiên, những trường hợp không may mắn khi triệu chứng mất ngủ, lo âu, sợ hãi, ám ảnh diễn ra thường xuyên, có chiều hướng gia tăng, làm giảm chất lượng cuộc sống một cách nặng nề.
Vì Covid-19 ảnh hưởng lên nhiều người, kể cả các tình nguyện viên, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, nên giới chuyên môn cho rằng việc tầm soát là rất cần thiết. Đồng thời, bệnh nhân cần chủ động khai báo với bác sĩ khi xuất hiện các tình trạng nghi ngờ, như mất ngủ, lo âu, trầm cảm… Tùy theo mức độ, sẽ tìm cách hỗ trợ phù hợp.
Trong mùa dịch, nhiều tổng đài tư vấn trực tiếp được thành lập. Hiện nay, người bệnh đã có thể đi khám tại các chuyên khoa tâm thần, nội thần kinh ở các bệnh viện, phòng khám tâm lý.
"Những người chăm sóc F0 kéo dài cũng cần được nghỉ ngơi, phục hồi, thư giãn, cần chăm sóc, đánh giá về mặt tâm lý trong thời điểm 'hậu Covid-19'. Nếu cần thiết vẫn sẽ được điều trị" - bác sĩ Lê Duy nói.