Chơi thuốc lắc rồi hít 'ke', hai thanh niên nguy kịch

Sau khi uống rượu, chơi thuốc lắc và kéo về nhà hít  ketamine ma túy (ke), hai thanh niên bị ngưng tim ngưng thở phải đưa đi cấp cứu.

Sự việc nêu trên xảy ra tại TP.HCM cách đây một năm do BS Chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM kể lại.

Trước khi nhập BV Tâm thần TP.HCM, hai thanh niên đã được cấp cứu thành công ở một BV tư. Nhưng do đến BV trong tình trạng khá nặng, đã ngưng tim ngưng thở nên di chứng để lại khá nặng nề. Sau khi tỉnh lại, một người trở nên "ngơ ngơ" còn người kia bị chết não, sống đời thực vật.

Khai thác người cùng “bay” với hai nạn nhân, BS Hiển được biết có 6 người “bay” chung, cùng uống rượu và thuốc lắc ở vũ trường. Thấy chưa đủ “phê”, cả nhóm kéo về căn hộ của một người và cùng hít ke ( ketamine ).

Tìm hiểu sâu hơn, BS Hiển biết thêm rằng hai nạn nhân nguy kịch sử dụng loại thuốc lắc khác loại của 4 người kia. Do đó, nguyên nhân gây ngộ độc có thể do họ sử dụng thuốc lắc mới chứa hoạt chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh. Khi kết hợp với sử dụng các loại ma túy khác như ketamine, cỏ Mỹ, cần sa, nấm thần và rượu, tỉ lệ ngộ độc cấp tử vong càng cao. Ngoài ra, theo BS Hiển, các vụ ngộ độc lẻ tẻ vẫn xảy ra khi người uống viên thuốc lắc đang sử dụng một thuốc chống trầm cảm.

Ketamine là tên gọi của chất gây mê tại các BV, ketamine y tế được phân phối dưới dạng một ống thuốc tiêm được quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vẫn có lượng lớn ketamine ma túy được điều chế trái phép từ ketamine y tế và được bán cho dân chơi.

Khác với ketamine y tế, ketamine ma túy dưới dạng bột trắng và cách sử dụng là hít trực tiếp vào niêm mạc mũi, khá tiện lợi nên thường được sử dụng tại các vũ trường hay lễ hội cùng với thuốc lắc. Như hầu hết các thuốc gây mê khác, ketamine khi quá liều cũng gây ức chế hô hấp dẫn đến ngưng thở.

Chơi thuốc lắc rồi hít 'ke', hai thanh niên nguy kịch - 1

Ketamine y tế (trái) và ketamine ma túy. Ảnh: Internet

Lý giải việc sử dụng thuốc lắc đời mới có nguy cơ ngộ độc thuốc cao hơn, BS Hiển cho biết thuốc lắc lần đầu tiên được tổng hợp tại Đức vào năm 1912 có hoạt chất thường có là MDMA. Đến thập niên 1980, nó được sử dụng nhiều trong các lễ hội âm nhạc với âm thanh cường độ lớn. Thú vui này đã nhanh chóng lan khắp Mỹ và Châu Âu với tên gọi viên thuốc của hội hè. Sau đó, lần lượt các dẫn xuất của MDMA như MDEA, MMDA, MDA… được tổng hợp và một viên thuốc lắc có thể chứa một trong những chất trên hoặc hỗn hợp của nhiều chất.

Khởi đầu, các viên thuốc lắc khá tinh khiết vì khi ấy các tiền chất có trong thuốc lắc chưa bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhưng từ khi Công ước quốc tế về quản lý các chất gây nghiện và các tiền chất ra đời vào năm 1988 khiến việc sản xuất viên thuốc lắc trở nên khó khăn hơn. Thế giới ngầm đã nhìn ra một kẽ hở do tìm thấy các tiền chất trong thuốc lắc có trong viên thuốc cảm paracetamol 500mg nên đã gom các viên thuốc cảm này để tiếp tục sản xuất thuốc lắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, các viên thuốc cảm có chứa các tiền chất này đã không còn được sản xuất nữa.

Cách nay vài tháng, công an Hải Phòng đã bắt được một vụ vận chuyển chất gây nghiện (chưa gọi là ma túy vì không có trong danh mục cấm) là những viên thuốc trong đó có chứa N-Ethylpentylone (được gọi là lắc mới) mà tài liệu cho biết có hoạt lực gấp 3 lần “lắc cũ”. (100mg MDMA tương đương 30mg N-Ethylpentylone).

Thuốc lắc cổ điển và thuốc lắc đời mới. Ảnh: BSH
Thuốc lắc cổ điển và thuốc lắc đời mới. Ảnh: BSH

Ngoài ra, do không có hóa chất nền tinh khiết nên viên thuốc lắc khi được “bào chế” có thể lẫn nhiều tạp chất. Một tạp chất rất nguy hiểm là Para-methoxyamphetamine (PMA), một chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim với một liều rất thấp. Đây là một phụ phẩm ngoài ý muốn trong quá trình sản xuất viên thuốc lắc.

Do đó, khi sử dụng viên thuốc lắc có chứa tạp chất hay viên thuốc “lắc mới” chứa N-Ethylpentylone có hoạt lực mạnh hơn dễ dẫn đến quá liều, tử vong.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM