1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chùm tin:

Chính phủ điều tra về vắc xin dại

(Dân trí) - Ngày 20/8, Thủ tướng đã có công văn yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến những ca tai biến sau khi sử dụng vắc xin dại (Fuenzalida) trong thời gian qua.

Trong công văn của Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả trước ngày 15/10.

 

Trước đó, trên toàn quốc đã xảy ra hàng loạt tai biến đối với người sử dụng vắc xin Fuenzalida- sản xuất từ não chuột.

 

Các nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo: Rất nhiều những người sử dụng vắc xin Fuenzalida đều gặp đã gặp tác dụng phụ (nhẹ thì sốt cao, nặng có thể bị viêm não, liệt toàn thân...).

 

 Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo ngừng dùng vắc xin này từ năm 1996. Tuy nhiên, loại vắc xin này vẫn được dùng ở Việt Nam do giá thành rẻ.

 

Cho đến tận tháng 7/2007, Bộ Y tế mới đưa ra quyết định ngừng sản xuất vắc xin dại từ não chuột và yêu cầu các cơ sở y tế chuyển sang tiêm vắc xin dại tế bào.

 

126,7 tỷ đồng cho chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng

 

Đó là số tiền Việt Nam dự kiến sẽ đầu tư để thực hiện chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm gây dịch.

 

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: trong giai đoạn từ năm 1997-2006, có 9 loại bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ người mắc cao nhất tại Việt Nam là cúm, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm gan vi rút, sởi, lỵ a míp, quai bị, thương hàn và lỵ trực trùng.

 

Nhưng đến 8 tháng đầu năm 2007 dịch bệnh ở nước ta lại lại có nguy cơ bùng phát ở một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, cúm A H5N1...

 

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: ở nước ta ngoài những bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm cũng đang gia tăng đột biến trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, 79% số tử vong và 85% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, tỷ lệ mắc của bệnh không lây nhiễm chiếm rất cao ở những nhóm tuổi trẻ.

 

Trước thực tế mới, chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống phòng xét nghiệm, thông qua việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu y sinh học quốc tế, củng cố Viện Vệ sinh Dịch tễ Pasteur và các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm và phòng xét nghiệm an toàn sinh học ở tuyến TƯ và tuyến tỉnh cũng như các bộ phận phòng chống dịch và các đội cấp cứu cơ động ở các cấp. Bên cạnh đó, chiến lược Quốc gia giai đoạn mới cũng sẽ tập trung vào việc tăng cường phòng chống một số bệnh không lây nhiễm, bệnh tật học đường và tai nạn thương tích. 

 

P. Thanh