Chính phủ cho phép tái sử dụng vắc xin Quinvaxem

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế tái dụng vắc xin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế phối hợp để nghiên cứu, sản xuất vắc xin 6 trong 1 của Việt Nam cung cấp chương trình TCMR.

Ngày 30/7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Y tế, về việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiệ Nhân đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế cho tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng. Chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế tổ chức tuyên truyền về an toàn tiêm chủng để phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất nguy hại đến sức khỏe và tính mạng trẻ em bị phản ứng sau tiêm chủng. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sản xuất vắc xin đa giá 6 trong 1 của Việt Nam cung cấp cho tiêm chủng mở rộng.

Trước đó, sau một loạt các tai biến xảy ra ở trẻ em sau khi được tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem (Vắc xin phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng), ngày 4/5/2013, Bộ Y tế đã quyết định dừng sử dụng vắc xin này trong Dự án TCMR để điều tra, kiểm định về chất lượng vắc xin. Mẫu vắc xin đã được gửi đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để thực hiện kiểm nghiệm độc lập tại các phòng kiểm nghiệm tại nước ngoài.

Sau gần 2 tháng, kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia về vắc xin và sinh phẩm y tế Vương Quốc Anh cho thấy: mẫu các lô vắc xin Quinvaxem có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đạt yêu cầu về chất lượng. WHO cũng đề nghị Việt Nam sớm đưa vào sử dụng lại vắc xin này trong Dự án TCMR để bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem được Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết năm 2015 với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD. Đến nayViệt Nam nhập về khoảng 15 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.
 

 Liên quan đến các phản ứng sau tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, phản ứng sau tiêm ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới. Kết quả nghiên cứu phân tích 43 trường hợp phản ứng sau tiêm tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay sau khi dùng vắc xin Quinvaxem thì có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin. 9 trường hợp này thì 8 ca có biểu hiện sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã điều trị đã qua khỏi. 17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận nhưng qua hỏi bà mẹ, hỏi những người trong gia đình không có yếu tố liên quan đến vắc xin. Như vậy, nếu nếu tính tỉ lệ trên 14 triệu liều sử dụng thì tỉ lệ tai biến 9/14 triệu thấp hơn rất nhiều so với ước tính (ước tính 20lần/triệu ).

 
 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm