“Chín mé” ở trẻ sơ sinh có đáng ngại?

(Dân trí) - Bé nhà tôi được 5 ngày tuổi thì xuất hiện tình trạng "chín mé", khóe ngón tay giữa của con sưng lên và có mủ. Khi đưa đến viện khám, vết mủ đã xẹp bác sĩ yêu cầu theo dõi thêm. Về nhà được 3 hôm khóe tay lại sưng và mủ to hơn...

Khi đi viện khám, bác sĩ yêu cầu tôi ngoài rửa tại chỗ bằng nước muối sinh lý và kê kháng sinh cho bé 5 ngày khiến tôi rất băn khoăn. Liệu nếu không dùng thuốc vết mủ có tự hết như trước không? Nguyễn Trần Ngọc Yến (Mỹ Đình, Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) trả lời:

Theo như mô tả của bạn, tình trạng này của con bạn dân gian còn gọi là “chín mé”. Chín mé có người chỉ sưng tấy vài hôm lại tự khỏi, nhưng cũng có những người trở nên rất trầm trọng, tấy mủ thậm chí phải đi bệnh viện để chích vết mủ, dùng kháng sinh phòng bội nhiễm.

Do khóe tay của trẻ sưng tấy, có mủ nên việc bác sĩ yêu cầu rửa vệ sinh bằng nước muối sinh lý và kê kháng sinh là để phòng bội nhiễm cho trẻ.

Con bạn cũng có hiện tượng sưng tấy lại sau 3 ngày đã xẹp vết mủ, vì thế bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên chủ quan. Bởi vết sưng tấy mủ tuy nhỏ nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

1-mongtay-ac3b6

Tôi nói từ vết thương này có nguy cơ cho sức khỏe của trẻ, là bởi vi khuẩn, phổ biến nhất là khuẩn tụ cầu vàng, từ bên ngoài có thể xâm nhập qua những tổn thương này vào cơ thể và gây bệnh. Thực tế tại khoa Nhi BV Bạch Mai đã từng tiếp nhận bệnh nhi nhiễm trùng máu chỉ từ vết nhọt trên đầu, ở mông, hay do dị ứng gãi trầy xước chân tay....

Bình thường, trên da con người có thể tồn tại vi khuẩn tụ cầu vàng và khi vệ sinh không sạch sẽ, tay nhiễm khuẩn tụ cầu vàng có thể xâm nhập qua vết thương hở vào cơ thể, gây nhiễm trùng máu.

Khi bị nhiễm trùng máu (đặc biệt ở trẻ sơ sinh biểu hiện càng nặng), trẻ sẽ sốt cao liên tục, khó thở, huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn... phải điều trị kháng sinh, thậm chí thở máy...

Đây là lý do bác sĩ luôn dặn dò các mẹ rất kỹ trong việc tắm, vệ sinh hàng ngày cho trẻ sơ sinh để kịp thời phát hiện tổn thương trên da và đi khám. Với trẻ nhỏ, việc đeo bao tay, bao chân cả ngày trong thời tiết nóng nực cũng tăng thêm nguy cơ này nếu bố mẹ không thường xuyên kiểm tra tay cho trẻ.

Sau khi tắm, rửa cần lau khô chân, tay trước khi đi bao chân, bao tay và trong ngày nên để thoáng khi thời tiết nắng nóng. Để ý bấm móng tay cho trẻ khi móng tay dài và cắt bằng dụng cụ riêng được sát trùng sạch sẽ, không bấm móng quá sát với vùng da.

Các bà mẹ cũng cần lưu ý, trước khi bôi thuốc ở vết tổn thương, phải rửa tay thật sạch với xà phòng. Khi tổn thương trên da có hiện tượng bội nhiễm, tấy đỏ, nổi mủ, trẻ có sốt… cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị vì có thể đó là những dấu hiệu viêm da bội nhiễm.

Hồng Hải (ghi)