Chim phượng hồi sinh từ tro tàn
Logo của hội nghị thường niên hội Chấn thương chỉnh hình Nhật Bản năm thứ 86 (22-26/5/2013) là cặp chim phượng hoàng rất đẹp và sống động. Nhìn hình ảnh phượng hoàng Nhật Bản trỗi dậy từ tro tàn thế chiến bay liệng trên bầu trời lồng lộng của thế giới, với sự ngưỡng mộ của châu Âu và Bắc Mỹ, tôi cũng ước ao một niềm vui như thế cho ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam.
Biểu tượng chim phượng hoàng tại hội nghị thường niên hội Chấn thương chỉnh hình Nhật Bản năm thứ 86 (ảnh tác giả cung cấp).
Câu hỏi lớn
Hội nghị thường niên hội Chấn thương chỉnh hình Nhật Bản năm thứ 86 có 8.700 giáo sư, bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trong và ngoài nước tham dự. Tiêu đề hội nghị được GS.BS Ochi Mitsuo, chủ tịch hội nghị và là chủ nhiệm bộ môn chấn thương chỉnh hình và viện Tổng hợp sinh cơ học – khoa học y khoa, đại học Y khoa Hiroshima chọn là “Hãy học lại từ lịch sử”.
Hội Chấn thương chỉnh hình Nhật Bản có khoảng 24.000 hội viên. Tất cả đều là giáo sư và bác sĩ đã kinh qua quá trình đào tạo huấn luyện liên tục dài khoảng 12 năm cho đến khi thành bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Sau đó để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu hơn các ngành như cột sống, thay khớp, nội soi, chấn thương, họ phải dày công học tập thêm hai năm nữa. Vị chi thời gian học tập dài 12 – 14 năm. Khi tốt nghiệp chuyên khoa, bác sĩ trẻ Nhật Bản mới 30 hay chuyên khoa sâu hơn lúc 32 tuổi, lứa tuổi đầy sức sống. Bác sĩ Việt Nam ta trong khoảng tuổi này hãy còn được huấn luyện nửa vời chuyên khoa 1 hay thạc sĩ; phải chờ mười hay hai chục năm sau mới đậu được chuyên khoa 2 hay tiến sĩ, lúc đó sức lực hầu như đã giảm sút quanh tuổi 50, đa số bỏ cuộc nửa đường. Con số chuyên khoa 2 hay tiến sĩ của ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam vì thế hãy còn khiêm tốn: “nhỉnh hơn 100 người” trên khoảng 1.000 người hành nghề chấn thương chỉnh hình trong nước! Sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam bị hao hụt rất nhiều do cách đào tạo lạc hậu, từ chương, nặng bằng cấp, nhẹ thực hành, thích danh hơn thực…
Làm thế nào để sửa chữa, giải quyết các vấn đề tồn đọng gây hao mòn năng lượng các bác sĩ trẻ và nâng cao trình độ phụng sự của ngành y tế Việt Nam là một câu hỏi lớn cho giới chức có trách nhiệm.
Nhìn học trình đào tạo bác sĩ Thái Lan, càng không khỏi giật mình. GS Charoen Chotigavanich – một bậc trưởng lão của ngành chấn thương chỉnh hình Thái Lan hiện là chủ tịch hội Chấn thương chỉnh hình châu Á – Thái Bình Dương đã báo cáo bằng tham luận tại hội nghị rằng bộ môn chấn thương chỉnh hình đại học Y khoa Siriraj được thành lập năm 1964 (sau đại học Y khoa Sài Gòn mười năm) nay đã phát triển vượt bực. Hiện ngành chấn thương chỉnh hình Thái Lan đã có 1.950 bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản cho 65 triệu dân.
Làm thế nào để sửa chữa, giải quyết các vấn đề tồn đọng gây hao mòn năng lượng các bác sĩ trẻ và nâng cao trình độ phụng sự của ngành y tế Việt Nam là một câu hỏi lớn cho giới chức có trách nhiệm.
PGS.TS.BS Võ Văn Thành đang nguyện cầu theo tiếng chuông Hoà bình ở Hiroshima. Ảnh: CTV
Lời đáp từ lịch sử
Sau bao nhiêu năm đào tạo sơ bộ chuyên khoa, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, tiến sĩ… ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam dù đã cố gắng hết sức vẫn ì ạch leo dốc, cố gắng hội nhập cùng quốc tế… đồng hành cùng sự phê phán gay gắt của người dân do điều trị chưa đúng mức, di chứng tật bệnh sau điều trị bảo tồn hay phẫu thuật luôn hiện diện, thậm chí gây tử vong. Những nỗ lực của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM trong hàng chục chuyến hội nghị chỉ đạo tuyến các tỉnh phía Nam với sự tổn phí biết bao sức người, sức của không làm bớt đi những ca chuyển bệnh nhân hàng ngày từ các tỉnh thành cả nước đang tràn ngập đến gây quá tải thêm cho bệnh viện vốn đã quá tải này. Nên nhớ những con số sau tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đều biết nói: trên nửa triệu bệnh nhân ngoại chẩn đến bệnh viện, trên 36.000 ca mổ lớn, vài chục ngàn lượt bó bột, vài chục ngàn ca tiểu phẫu hàng năm cho bệnh viện có 535 giường bệnh, toạ lạc trên khoảng 5.800 thước vuông mặt bằng…; chen chúc nhau khoảng 3.000 người mỗi ngày, thiếu cả không khí để thở! Hậu quả là sự khám bệnh ngoại chẩn chỉ vài phút một bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang và lối đi, rồi còn sự lơi lỏng trong công tác hàng ngày, thiếu thốn trang thiết bị, sự chật chội không gian làm việc… Chưa kể một bộ phận không nhỏ bác sĩ rất bận làm ngoài giờ, dịch vụ trong hay ngoài bệnh viện để cải thiện cuộc sống, nuôi gia đình. Tất nhiên, sự sơ sót chuyên môn khó bề tránh khỏi, kiện tụng thường xảy ra.
TP.HCM cần ít nhất ba bệnh viện chuyên chấn thương chỉnh hình nữa. Hay ta phải hoá giải bằng cách khác căn cơ hơn: tạo khả năng, kỹ năng và lòng tin bệnh nhân vào thầy thuốc ở các bệnh viện tỉnh, thành khác sao cho bệnh nhân chấp nhận, vui lòng ở lại bệnh viện địa phương điều trị. Phải chăng nên chọn mô hình đào tạo liên tục như các nước tiên tiến nói trên. Cũng với cái nhìn này, áp dụng cho các bệnh viện thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, để giữ chân các đại gia trong nước hòng tiết kiệm 2 tỉ USD du lịch chữa bệnh hàng năm ở Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc, Mỹ hay Pháp... Phải tạo niềm tin lẫn nhau!
Nhìn logo cặp chim phượng, tôi cũng ước ao một biểu tượng nào đó vừa khiêm tốn, vừa hãnh diện, vừa lãng mạn, vừa tỏ rõ sự trỗi dậy của một đất nước cũng từng chịu nhiều mất mát từ tâm lý, tinh thần, tình nghĩa, vật chất đến sinh mạng do chiến tranh như Nhật Bản.
“Hãy học lại từ lịch sử” – chí lý thay!
Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành
Chủ tịch hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á – Thái Bình Dương
Sài Gòn tiếp thị